miumiucooking

Nơi chia sẻ những thú vui nấu nướng

Đêm lung linh trên dòng sông huyền thoại

Mình thật may mắn vì chuyến đi này đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị . Những ngày này Ở thị xã Quảng Trị nhà nhà treo cờ và treo đèn lồng, băng rôn, áp phích giăng đầy các góc phố. (Riêng cái vụ đèn lồng mình không khoái lắm vì nó có xuất xứ từ bên Tàu, vào thời điểm nhạy cảm này, cái gì dính đến Trung Quốc là mọi người đều cảm thấy bị dị ứng, mình là mình tẩy chay cái idea này, blè…..).
Từ thị xã Đông Hà chạy khoảng 15 cây sẽ đến thị xã Quảng Trị. Ngày đầu tiên mình tranh thủ vào tham quan thành cổ, ghé bảo tàng, ra bờ sông thạch Hãn cách đó 500m để ngắm tận mắt dòng sông 1 thời đi vào huyền thoại. Nếu không đọc lịch sử chắc không ai có thể hình dung được trên dòng sông đó có biết bao nhiêu con người đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ và xương thịt của họ đã hòa lẫn vào từng ngọn cây, bụi cỏ. Dòng sông máu và nước mắt đã viết nên khúc tráng ca bi hùng cho lịch sử của dân tộc, dòng sông đã ôm vào lòng hàng ngàn người con ưu tú của tổ quốc, khi họ dũng cảm vượt sông dưới làn đạn địch, theo tiếng gọi của chiến trường. Máu đỏ hoà vào nước. Thịt xương tan vào đất. Họ mãi mãi nằm xuống cho khát vọng tự do.

Sông Thạch Hãn (hay còn gọi là sông Quảng Trị) là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Sông có chiều dài 155km, bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía Tây tỉnh Quảng Trị và đổ ra biển Đông qua Cửa Việt. Dòng sông Thạch Hãn mùa hè cạn trơ đáy, có thể lội bộ qua sông đoạn thị xã Quảng Trị và nhiều đoạn khác, do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông, nên mới có tên là Thạch Hãn.
Gần bờ nam sông Thạch Hãn là Thành cổ Quảng Trị, là bến vượt đẫm máu của những đơn vị quân giải phóng vào giữ Thành Cổ Quảng Trị. 81 ngày đêm, mỗi đêm một đại đội hơn trăm chiến sĩ, hầu hết là sinh viên đã sang sông mà ngày hôm sau chỉ khoảng 10 người sống sót trở về. Hơn 14 nghìn chiến sĩ của chúng ta đã nằm lại nơi ấy, mảnh đất chưa đầy 3 cây số vuông. Thành Cổ Quảng Trị đã từng được gọi là “cối xay thịt”, còn dòng sông Thạch Hãn và sông Bến Hải… thì đã từng được gọi là dòng sông máu. Từ nhiều năm trước, có những cựu chiến binh, cứ đến ngày 27-7 lại về đây thả hoa trên sông tưởng nhớ đồng đội.

Và mấy năm gần đây, việc thả các bè hoa và nến trên sông đã trở thành một tục lệ của vùng này.
Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, hàng ngàn cựu chiến binh trang phục áo lính sờn bạc, lặng lẽ thả xuống dòng sông Thạnh Hãn những cánh hoa đăng tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 40 năm về trước.

Hoàng hôn dần chìm xuống đáy sông Thạch Hãn, dòng người ngược xuôi về đây lặng lẽ tụ hội. Bên bến sông, ai đó thầm thì:
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi 20 thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm
Mấy vần thơ này là của Lê Bá Dương, chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm xưa và hiện là nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh thuộc Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Nhưng chuyện ông là người đầu tiên thực hiện nghĩa cử tri ân đồng đội bằng việc thả những cánh hoa xuống dòng sông Thạch Hãn thì ít người biết.

Câu chuyện bắt đầu từ một ngày tháng chạp năm 1968. Sau một đợt công tác đặc biệt, Lê Bá Dương đến thăm mẹ của Nguyễn Hoàng Quế, một người bạn học và là đồng đội mới hy sinh trong một trận đánh ác liệt tại khu vực xã Gio An, Gio Linh, Quảng Trị. “Ngân ngấn nước mắt, mẹ nghẹn ngào: Chưa có giấy báo tử nhưng qua mấy chú thương binh ra điều trị ở gần nhà, bác đã biết Quế hy sinh. Đầu tên mũi đạn, không Quế thì người khác con ơi… Bác chỉ mong biết nơi nó nằm lại để khi nước nhà thống nhất để đưa về hương khói… Không thể tả hết niềm đau lúc đó của tôi khi phải nén lòng giấu kín sự hy sinh của bạn mình không để lại một chút hình hài.
Càng đau hơn khi dìu người mẹ già yếu từng bước ra bờ ao để bà thắp nén hương vọng về phương Nam… Mẹ sụp xuống cắm một nén hương bên bờ ao rồi cũng đôi tay khô gầy run run ấy, mẹ ngắt bông dâm bụt buông vào mặt ao như thầm thì: “Không biết mẹ có còn sống đến ngày giải phóng mà vào đón con về? Thôi thì nhờ nước, nhờ sông, mẹ gửi cho con chút hương khói. Con ở nơi xa có linh thiêng hãy nhận cho mẹ yên lòng” – cựu chiến binh, thương binh 1/4 Lê Bá Dương, hồi tưởng.

Sau ngày đất nước sạch bóng quân thù, trong một lần về thăm đồng đội nằm lại nơi chiến trường Quảng Trị xưa, cựu chiến binh Lê Bá Dương nhớ về màu hoa dâm bụt đỏ chói mẹ liệt sĩ Nguyễn Hoàng Quế gửi cho con chút hương khói… Ông đã kết bè hoa bằng những cây sậy, những bông hoa tứ quý, hoa mồng gà, hoa dại thả xuống dòng sông Thạnh Hãn. Và rồi, hình ảnh người đàn ông nói tiếng xứ Nghệ, mua sạch hoa ở chợ Triệu Hải (nay chợ Quảng Trị), vừa đi, vừa khóc, lang thang dọc theo bến sông thả hoa đã gây sự chú ý của tất cả những người dân buôn bán, sống quanh khu vực này.
Cũng từ đây, cựu chiến binh Lê Bá Dương không còn lặng lẽ thả hoa đăng một mình mà có sự đồng hành của nhiều người bạn là cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị. Đặc biệt, từ năm 2007 đến nay, hai bến thả hoa ở hai bờ sông Thạch Hãn, đoạn phía trước mặt Thành cổ Quảng Trị đã được triển khai xây dựng, đồng thời thể theo ước nguyện của các cụ lão thành xin trồng 81 cây phượng bên bờ kè Nam sông Thạch Hãn tượng trưng cho 81 ngày đêm mùa hè khói lửa tại Thành cổ Quảng Trị.
Nguồn: Internet

Ngày 29/4 mình đến thành cổ vào buổi trưa. Nắng tháng 4 ở miền Trung thật là gay gắt nhưng cũng không làm chùn bước chân đang hăng hái của mình. Những mệt nhọc của mình, xét cho cùng có thấm gì so với gian khổ của những người đã từng sống và chiến đấu ở vùng đất này cách đây hơn 40 năm.
Thị xã Quảng Trị vào 1 trưa hè ngày 29/4, nóng như đổ lửa, đường phố vắng tanh vì mọi người trốn hết ở trong nhà. Chỗ này ngày mai sẽ là lễ đài chính diễn ra buổi lễ kỷ niệm 40 năm Giải phóng Quảng Trị. Đối diện lễ đài là bến thả hoa đăng – bờ sông Thạch Hãn.

Sông Thạch Hãn đây rồi, nơi đây hàng vạn chiến sĩ trẻ đã vuợt sông để vào chi viện quân cho thành cổ và hàng vạn người con đã vĩnh viễn nằm lại, chỉ rất ít người trong số họ có may mắn sống sót trở về.

Bến thả hoa đăng, hôm ấy mình thấy có 1 đoàn các bác quê ở đâu tận miền Bắc vào đang chuẩn bị đồ cúng thả xuống sông, có lẽ đây là 1 đoàn cựu chiến binh năm xưa đi viếng đồng đội cũ.

Các Chị đang chuẩn bị đồ cúng

Ngày 30/4, buổi sáng mình đi Khe Sanh với 1 đoàn khách nước ngoài, đến chiều quay về thành cổ xem lễ thả Hoa Đăng tưởng nhớ vong linh các Anh Hùng Liệt Sĩ Thành Cổ.
Lễ đài chính nơi tiếp đón các Cựu chiến Binh thành cổ trở về và diễn ra buổi lễ kỷ niệm. Các Bác Cựu Chiến Binh được 1 đoàn các em nữ sinh mặc áo dài trắng vẫy cờ đón tiếp.

Giây phút thiêng liêng nhất là khi giai điệu của bài Hồn tử Sĩ cất lên bên bờ sông Thạch Hãn, người ta bắt đầu thả 22.000 hoa đăng từ trên cầu Thạch Hãn xuôi dài theo bờ sông. Cả 1 dòng sông sáng rực.
Note: Máy chụp hình của mình có nhiều nút chỉnh, hình như có cả nút chụp chế độ trong bóng tối ở khoảng cách xa mà mình không biết là nút nào, mình chỉ biết bấm có mỗi nút chụp, hic hic. Vì thế mấy cái hình chụp buổi tối thả hoa đăng trông hết sức cùi bắp.

Từng đoàn cựu chiến binh chèo thuyền ra giữa dòng Thạch Hãn để gửi hoa cho các đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy sông

Các em bé cũng tham gia thả hoa đăng

Cả 1 dòng sông sáng rực hoa đăng

Mình đã nhìn thấy những khuôn mặt ưu tư của những người Cựu chiến binh thành cổ trong đêm ấy, cả những giọt nước mắt nhớ thương đồng đội. Mình đã gặp 1 Bác Cựu Chiến Binh ở Hà Tây, Bác đi 1 mình về đây để viếng những người đồng đội đã khuất. Bác nói Bác thật may mắn vì là người còn sống trở về sau chiến tranh trong khi đồng đội của Bác mất gần hết. Và đôi mắt của Bác thật buồn, cứ nhìn mãi ra xa nơi có những ký ức không thể nào quên.
Dòng sông huyền thoại, mình đã đặt chân đến 1 lần và không thể nào quên.