miumiucooking

Nơi chia sẻ những thú vui nấu nướng


Leave a comment

Bắp bò ngâm dấm

Hôm nọ nấu bún bò xong còn dư giò heo và một nửa cái bắp bò, mình đem ra ngâm dấm cái bắp còn giò heo nấu được 1 tô bánh canh. Hôm nay ăn bánh canh giò heo và bánh tráng cuốn bắp bò.

Nguyên liệu bắp bò ngâm dấm:
1 kg bắp bò
2 thìa muối
1/2 thìa hạt tiêu
1 lít giấm
200 gr đường
10 gr gừng già
10 nhánh tỏi
1 lọ thủy tinh.
Bắp bò nguyên cái rửa sạch, để ráo nước. Ướp thị bò với muối, hạt tiêu theo tỉ lệ trên trong khoảng 1 giờ.
– Nấu nồi nước sôi, thả bắp bò vào, hầm cho chín mềm. Vớt ra để nguội.
– Làm nước giấm: Cho giấm vào nồi, bắc lên bếp, nhỏ lửa cho giấm sôi nhẹ rồi cho 200 gr đường vào từ từ và khuấy cho tan đường. Thêm chút muối, gừng già cắt sợi, tỏi cắt lát mỏng.
– Lọ thủy tinh rửa sạch, lau khô. Cho bắp bò luộc vào lọ thủy tinh, đổ ngập hỗn hợp giấm đường đã pha sẵn vào lọ.
– Dùng đĩa nhỏ nén bắp bò chìm xuống nước giấm. Đậy nắp kín, để sau ba ngày là ăn được.
– Trời mùa hè, bạn có thể để trong tủ lạnh ăn dần. Muốn giữ lâu hơn, bảo quản trong tủ lạnh. Khi ăn cắt lát mỏng, ăn kèm với dưa chua, kim chi rất hợp trong thời tiết oi nóng này.


Leave a comment

Mousse xoài sữa chua

Với các loại bánh mousse, phần mousse luôn gồm có các thành phần cơ bản sau: Whipping cream (kem tươi đánh bông), gelatine để tạo đông, cream cheese hay mascarpone cheese , đường, nước, và nguyên liệu để tạo ra vị của loại mousse đó, nghĩa là nếu là bánh mousse chanh leo thì nguyên liệu tạo ra vị chanh leo chính là trái chanh leo, tương tự mousse dâu tây thì dùng quả dâu tây, mousse cà phê thì dùng hạt và bột cà phê, mousse xoài thì dùng quả xoài. Tuy nhiên, ta có thể thay thành phần cream cheese hay mascarpone cheese bằng yaourt (sữa chua) để thay đổi khẩu vị, và cũng bởi vì cream cheese hay mascarpone cheese giá rất đắt nên đôi khi nếu muốn tiết kiệm thì thay hai thành phần kia bằng sữa chua, nhưng đương nhiên bánh sẽ không béo và ngon bằng. Bài mousse xoài này mình dùng sữa chua.

Nguyên liệu:
– 2 quả xoài (chọn loại xoài cát nhiều thịt, thịt xoài ít xơ) khoảng 600g
– 100g đường
– 20ml mật ong
– 1 nhúm muối
– 1 quả chanh vắt lấy 20ml nước cốt nếu là xoài ngọt hoặc 5-10ml nếu là xoài chua
– 4 lá gelatine (8g)
– 20ml nước
– 100ml sữa chua có đường
– 5ml vani
– 250ml kem tươi đánh bông
Đế bánh sử dụng bột sponge/gateau cơ bản:
– 2 trứng gà
– 40g đường
– 45g bột mỳ
– 5g bột năng
– 1 nhúm muối
Trứng gà đánh với đường trắng khoảng 10′, cho đến khi hỗn hợp bông mịn, có màu vàng nhạt/trắng ngà. Trộn đều bột năng và bột mỳ, muối. Rây từ từ bột, dùng phới trộn nhẹ tay. Đổ vào khuôn tròn đường kính 20-25cm hoặc khuôn tùy thích đã được lót giấy hoặc phết bơ rắc bột. Vặn lò nóng 175 độ, nướng khoảng 20′ hoặc đến khi bánh chín, không để quá lửa sẽ bị khô, để non bánh sẽ xẹp.
Lấy bánh ra khỏi khuôn, để trên giá có rãnh cho nguội. Cắt phần đáy bánh thành lát dày khoảng 1-1.5cm.
Xoài gọt vỏ, lọc lấy phần thịt và cho vào máy xay sinh tố cùng với đường, mật ong và 20ml nước cốt chanh (để tạo vị chua tự nhiên cũng để tránh cho màu của xoài bị thâm). Lọc hỗn hợp qua rây. Nhớ bớt lại khoảng 20ml để làm phần jelly trên mặt bánh.
Lá gelatine ngâm trong nước lạnh 10-15′, vớt ra vắt ráo nước. Cho vào một chiếc bát nhỏ cùng 20ml nước, hấp cách thủy cho tan, để nguội bớt. rồi trộn với hỗn hợp xoài.
Kem tươi cho vào ngăn đá khoảng 5′, sau đó lấy ra đánh bông. Trộn sữa chua có đường với kem tươi và vani.
Trộn chung hỗn hợp kem tươi và xoài.
Ráp bánh:
Sử dụng khuôn đế rời có đường kính bằng khuôn nướng bánh gateau ở trên. Cắt một dải giấy bóng kính (loại dùng gói hoa cũng được) có chiều cao lớn hơn hoặc bằng chiều cao của khuôn để lót xung quanh thành khuôn. Đặt 1 lát bánh sponge xuống đáy khuôn, đổ hỗn hợp mousse, dàn đều cho phẳng mặt và cất vào ngăn mát khoảng 1-2h

Phần jelly phía trên :
– 2 lá gelatine ngâm nước lạnh cho mềm (lưu ý không ngâm nước ấm, lá gelatine sẽ biến mất ngay trước mắt). Vắt ráo nước.
– 20ml sinh tố xoài + 1/2 thìa cà phê nước cốt chanh
– 70ml nước sôi
– 30g đường, tùy khẩu vị
Cho 2 lá gelatine vào nước sôi, khuấy cho tan hết, cho sinh tố xoài và đường vào khuấy đều. Để nguội chỉ hơi còn cảm giác ấm là được. Sau khi chiếc bánh trong tủ lạnh đã khá đông (sau 1-2h), lấy ra, đổ hỗn hợp jelly lên mặt bánh. Đặt trở lại vào tủ qua đêm là tốt nhất.
Trang trí bằng hoa quả tươi hoặc chocolate.


Leave a comment

Bánh bèo Huế

Nguyên liệu:
– 125gr bột gạo
– 20gr bột năng
– 250ml nước lạnh + 375 ml nước sôi
– 300gr tôm đất
– 1 củ hành tím, 1 củ tỏi nhỏ, hành lá
– Nước mắm, muối, tiêu và đường
– 30 chén nhỏ
– Ít bánh mỳ chiên hoặc da heo chiên giòn.
Trộn 2 loại bột lại với nhau, thêm chút xíu muối. Đổ từ từ nước lạnh vào bột, quậy đều tay. Tiếp tục đổ 375ml nước sôi vào. Khuấy bột cho chúng tan đều, hòa quyện vào với nhau. Ngâm bột qua đêm, hoặc ngâm từ 4 đến 6 giờ đồng hồ. Việc ngâm bột có tác dụng làm bánh khi ăn không có mùi bột chua và bánh dai. Khi gần đổ bánh, bạn gạn phần nước lắng màu trắng trong trên mặt thau bột đổ đi. Đổ đi bao nhiêu nước trắng trên bề mặt bột thì bạn thay thế vào bấy nhiêu nước ấm. Khuấy nhẹ tay rồi để qua một bên.
Tôm lột vỏ, chẻ sống lưng lấy chỉ, rửa sạch rồi để vào rổ cho ráo nước. Giữ lại vỏ tôm để nấu làm nước mắm. Cho tôm vào cối giã hoặc dùng máy xay cho tôm mịn ra. Làm nóng chảo trên bếp với chút xíu dầu ăn, phi tỏi thơm. Đổ tôm vào, đảo đều tay, lửa nhỏ. Nêm chút xíu muối. Xào đến lúc nào thấy tôm hơi khô là được. Hành lá cắt nhỏ trộn vào 1 muỗng cà phê dầu ăn, cho vào lò vi sóng rồi quay vài giây cho hành chín, để riêng
Làm nước mắm:
Vỏ tôm dùng chày giã hơi nát, cho vào nồi nhỏ, đổ nước lạnh xâm xấp với bề mặt tôm với 1 củ hành tím đã xắt lát, nấu sôi. Lọc lại vỏ tôm đổ đi, chỉ giữ lại phần nước, để riêng, thêm vào ít đường Đổ nước mắm vào phần nước đun vỏ tôm, nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn, miễn sao nước mắm hơi ngọt và không quá mặn. Nước mắm ăn bánh bèo không có tỏi và không vắt chanh hay dấm, chỉ có ớt xanh xắt lát cho vào tùy độ ăn cay của bạn.
Hấp bánh:
Để sẵn chén bên cạnh, đổ nước vào nồi hấp, nấu sôi với lửa lớn. Trong khi chờ nước sôi, bạn thoa dầu ăn vào chén. Khi nước thật sôi bạn cho từng chén nhỏ đã thoa dầu ăn vào nồi. Chén nóng bạn đổ bột vào cỡ 2/3 chén. Đậy nắp lại,thỉnh thoảng mở nắp nồi để lau hơi nước đậy trên nắp nồi. Hấp khoảng 7 đến 8 phút thấy bánh trắng đục là bánh chín. Khi ăn đổ ít tôm chấy lên bề mặt bánh bèo, múc chút hành phi và ít bánh mỳ chiên rắc lên trên.

Cách làm khác:
Nguyên liệu:
– 1 bát con bột gạo tẻ
– 1 thìa canh bột năng (nếu muốn ăn bột dai nhiều bạn tăng lượng bột năng và giảm lượng bột gạo)
– 1 thìa nhỏ muối
– 1 bát con nước lọc (dùng bát đong bột gạo đong nước)
– 1 và 1/2 bát con nước sôi nóng già
– 300g tôm tươi
– Nước mắm, đường, ớt quả, tiêu và muối
– Hành lá, hành khô, dầu ăn, khuôn đổ bánh bèo (bạn có thể mua tại các siêu thị)
– Bì lợn chiên giòn hoặc bánh mỳ chiên ăn kèm.
Cách làm:
Hòa tan bột năng và bột gạo, thêm muối vào, trộn đều. Chế từ từ bát con nước lọc, vừa chế vừa dùng muôi khuấy đều. Tiếp theo đổ từ từ nước sôi nóng già, dùng muôi khuấy đều, dùng màng thực phẩm, đậy kín, để qua đêm hoặc để từ 10 đến 13 tiếng. Hôm sau bạn sẽ thấy phía trên bề mặt bột có lớp bột chua màu trắng trong, bạn lọc đổ bỏ nước bột chua, đổ bao nhiêu nước bột chua thì bạn thay thế vào bấy nhiêu nước ấm. Khuấy nhẹ tay, để khoảng 15 phút trước khi đổ bánh.
Phần làm tôm chấy: tôm rửa sạch, dùng tăm nhọn rút chỉ đen trên lưng tôm cho sạch, đổ tôm vào nồi, đậy kín nắp để tôm chín, không thêm nước. Đến khi tôm chín hồng, đợi nguội, bóc vỏ tôm, giữ lại vỏ tôm để nấu với nước mắm, còn thân tôm bạn dùng cối giã nhuyễn. Đun nóng dầu ăn, phi hành khô thơm, đổ tôm vào đảo đều, thêm gia vị muối, nước mắm, đường, tiêu, nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn. Xào đến khi tôm khô, tơi ra, nhấc chảo ra khỏi bếp, để nguội.
Hành lá thái nhỏ, rửa sạch, thêm vào bát hành ít dầu ăn, cho vào lò vi sóng quay 30 giây cho hành chín.
Phần đổ bánh bèo: khuôn thoa dầu ăn, xếp khuôn vào xửng hấp, nước ở xửng sôi già bạn mới châm bột vào khuôn, đậy kín nắp, thỉnh thoảng dùng khăn sạch lau nước đọng trên thành nắp. Hấp từ 6 đến 8 phút, bánh nổi trong là chín. Nhấc khuôn ra khỏi nồi, để nguội, dùng dao nhọn tách bánh, xếp vào đĩa. Lúc xếp bánh bạn nhớ dùng cọ quét ít hành và dầu ăn lên bề mặt bánh để bánh bèo không bị dính.
Phần nước mắm: vỏ tôm băm nhuyễn, đổ nước xâm xấp với mặt vỏ tôm, đun sôi, lọc lấy nước luộc vỏ tôm, bỏ xác. Pha nước mắm, đường, nước lọc theo tỷ lệ 1:1:1, nấu sôi đường và nước mắm, để nguội, chế từ từ nước mắm và nước luộc vỏ tôm vào, nêm hơi ngọt. Nước mắm dùng với bánh bèo không có tỏi và không thêm giấm, hay chanh. Ớt quả dùng thìa xắn hay kéo cắt chứ không giã.
Khi dùng, rắc ít tôm chấy lên bề mặt bánh bèo, thêm da heo chiên, chan nước mắm có pha ớt là bạn đã có đĩa bánh bèo dân dã nhưng rất ngon.


Leave a comment

BỮA SÁNG NGON MIỆNG VỚI PANCAKE VÀ TRỨNG RÁN KIỂU LYON

Món này làm cực kỳ nhanh, nguyên vật liệu lúc nào cũng có sẵn
Nguyên liệu:
– 190g bột mỳ đa dụng
– 5g bột nở (baking powder) – Khoảng 2 muỗng cafe
– 5g muối (khoảng 1 muỗng cafe)
– 10g đường
– 300ml sữa tươi (không đường)
– 1 trứng (nhiệt độ phòng)
– 50g bơ
– 1 chút vani
Dùng phới lồng trộn tất tật vào nhau cho thật đều.
Đặt chảo không dính lên bếp , cho bơ vào chảo đổ bột vào. Khi thấy mặt bánh ráo mặt thì lật mặt. Thấy vàng vàng là bánh chín rồi.
Đây là công thức pancake cơ bản, từ công thức này mọi người có thể tự sáng tạo ra các loại pancake khác nhau. Pancake là món ăn sáng của bọn trẻ con Tây, món này rất dễ ăn, ăn không cũng được, ăn với mật ong, mứt, kem tươi, bơ, tương ớt, tương cà, các loại trái cây, trứng rán, thịt, phô mai, bơ sữa, v.v.. nói chung thấy thích cái gì thì ăn với cái đấy.

TRỨNG RÁN KIỂU LYON
Nguyên liệu:
– 2 quả trứng
– 1/2 củ hành tây cỡ vừa
– 1 chút bơ để rán
– Muối, tiêu
Cách làm:
– Trứng quậy cho đều, thêm chút muối.
– Hành tây xắt hạt lựu nhỏ.
– Chảo nóng, cho bơ vào, bơ vừa tan thì cho hành tây, thêm chút muối rồi xào khoảng 1 phút, rồi đổ vào bát trứng đã quậy, ngoáy đều.
– Thêm ít bơ vào chảo, bơ vửa chày hết thì cho hỗn hợp trứng vào. (nên dùng chảo rộng lòng 1 chút, chống dính, thì khi cuộn sẽ dễ dàng hơn)
– Điều chỉnh lửa vừa cho trứng chín từ từ, rắc tiêu đều lên mặt trên. Khi trứng trên mặt bắt đầu se lại hết thì cuộn trứng từ từ.

trungranlyon

pancake

Ngoài ra mình lên mạng thấy 1 video làm pancake, cách làm hơi khác cách trên một chút, thấy hay nên copy công thức và link về:

Vật liệu (cho 20 cái)
3 quả trứng gà, 600 ml sữa tươi, 450g bột mì, 170g đường, 3 thìa cà phê baking powder (bột nổi).
Cách làm:
Đập trứng vào trong tô, đổ sữa vào trong tô trứng, dùng máy đánh trứng đánh trứng và sữa thành hỗn hợp mịn (có thể dùng lồng phới để đánh), cho bột mì vào, tiếp theo cho đường, bột nổi, dùng máy đánh trứng đánh cho hỗn hợp hoà quyện, sau đó ủ 1 giờ cho bột nổi. Ủ xong dùng 1 cái thìa to quấy bột từ trên xuống cho bột xẹp xuống vì lúc này bột nở cao lắm. Nếu thấy bột có vẻ hơi đặc thì có thể thêm vào chút sữa và quấy tan đều.
Đặt chảo lên bếp, lửa trung bình, láng chảo với bơ, đổ bột lên, đến khi thấy bong bóng xuất hiện thì dùng xẻng lật mặt bánh và để khoảng 3 phút cho mặt này vàng nốt.
Link video:


Leave a comment

Đậu phụ chiên trứng muối

Nguyên liệu: (Cho 4 người ăn)
Đậu phụ (đậu Nhật) 0,5kg, trứng muối 4 quả, muối, mì chính, bột năng, dầu ăn.
Cách làm:
Đậu phụ cắt miếng nhỏ vừa ăn, trứng muối chỉ lấy lòng đỏ, rửa sạch, bọc thật kín bằng phin rồi cho vào lò vi sóng bắn khoảng 1 phút 30 giây.
Cho chảo dầu nóng già, lăn đậu phụ vào bột năng khô, thả vào chảo dầu đảo nhanh tay rồi vớt ra, ở công đoạn này các bạn phải chú ý nếu không đậu phụ sẽ bị nổ vỡ.
Cuối cùng cho một chút dầu vào chảo, đun thật nhỏ lửa cho trứng muối vào và đánh tan trứng cho thêm muối và mì chính, tiếp tục cho đậu vào đảo nhẹ nhàng, đều tay rồi bắc ra là được. Ăn nóng với cơm.

Trên mạng có nhiều bài viết về món đậu hũ chiên trứng muối nhưng mình buồn cười với bài này nhất, vì đọc cái đoạn chú ý của nó cảm giác như đang oánh nhau với 1 kẻ thù vô cùng nguy hiểm và thâm độc là món đậu trứng, hehehe, đọc đoạn bôi đậm mà xem, chết cười 🙂
Chú ý:
Đây là món ăn có cách làm nhanh, không cầu kì và ít công đoạn, nhưng mỗi công đoạn đòi hỏi chúng ta phải có độ chính xác rất cao.

Khi lăn đậu vào bột nếu không cẩn thận đậu dễ bị vỡ, khi chiên đậu cũng dễ bị nổ, khi bắn trứng trong lò vi sóng chúng ta phải bọc phin thật kín, và cuối cùng khi đánh trứng trong chảo trứng cũng rất dễ bị cháy vì vậy phải điều chỉnh lửa thật nhỏ.

Nói chung là phải vô cùng cảnh giác và cẩn thận khi làm món đậu chiên trứng này, nếu cần thiết phải đeo khẩu trang che mặt, đội mũ bảo hiểm che đầu và cầm 1 cái khiên che trước ngực khi đang chiên đậu, đề phòng đậu và trứng nổ bắn vào người, hahaha. Sau nửa giờ oánh nhau trên bếp, kẻ thù của mình trông như thế này đây: giòn rụm thơm phức và béo béo bùi bùi, mình ăn vã nó thay cơm.


Leave a comment

Cup cake hoa hồng mini, cookie nặn

Dạo này bọn chúng lại chuyển sang chặn WordPress và Blog Post nên mỗi lần vào nhà mình phải nhảy rào mệt bở hơi tai. Trong máy mình giờ có tới 2 phần mềm nhảy rào, 1 cái Ultra dành cho facebook và 1 cái Hotspot Shield, mỗi lần mở mấy cái quỷ này lên là các chương trình khác chậm như rùa, đến nản với mấy thằng đần, cấm cho cố vô, chặn cho cố vô, thời buổi công nghệ phát triển như vũ bão mà chúng làm như dân toàn lũ mọi rợ không biết Internet là gì, IT là gì. Đến 1 đứa tay mơ như mình mà còn biết cách tự mở khóa vượt rào nữa thì chặn làm gì cho nó khổ hở cái lũ đần thối kia. Dân tình vẫn cứ lướt facebook, wordpress, blog post ào ào, đọc tin từ chính trị đến vỉa hè các kiểu. Nếu có muốn cấm tiệt thì cắt cha nó Internet luôn đi cho xong, cho trở về thời kỳ đồ đá, dám hông lũ đần????
Nói chung bi giờ đi đâu cũng thấy dân tình kêu ngán đến tận cổ với cái lũ lờ đờ này (Lờ đờ = LD= lũ đần = lãnh đạo), blog mình không phải là blog chính trị nhưng hôm nay cũng phải vào đây gào tý chút cho đỡ stress. Strees lắm roài!
Ngắm mấy cái cup cake mini này cho vui chút, công thức là cup cake bơ bình thường (bông lan cơ bản), mấy cái hoa hồng làm từ bột hạnh nhận trộn vớilòng trắng trứng gà đánh bông với đường, xong trộn màu vô và nặn như nặn đất sét


Còn mấy cái cookie này mình trang trí với royal icing, công thức tự mò trên mạng, suốt cả buổi trưa chủ nhật không ngủ cứ rị mọ phết màu, vẽ vẽ, làm xong chỉ để ngắm chứ không ăn (vì mình sợ mấy cái gì nhuộm màu lòe loẹt)


Leave a comment

Bánh trôi tàu

Món này hình như ngoài Bắc gọi là bánh trôi tàu, trong Nam kêu là chè trôi nước, mình thấy công thức cũng giống nhau
Nguyên liệu:
• 4 chén bột nếp

• 1 chén bột gạo

• 200g đậu xanh cà vỏ.

• 0,5 kg đường nâu

• 1 củ gừng tươi đập dập

• Nước dừa 1 bát nhỏ.

• Cùi dừa tươi nạo thành sợi

• Gia vị gồm: Đường, muối.

• 1g vừng rang vàng (bạn có thể thay bằng lạc (đậu phộng) rang vàng giã nhỏ).
• 100ml nước lã.

Cách làm
Hai thứ bột pha chung lại với nhau rồi đổ 1/2 chén nước vào bóp cho bột tan, kế đến cho nước nóng vào nhồi cho đến khi nào thấy bột dẻo mềm là được.
Ðậu xanh ngâm 1 đêm hấp chín tán nhuyễn, sau đó trộn với đường vừa độ ngọt, trộn với sợi dừa tươi nạo. Vo tròn thành từng viên nhỏ như ngón chân cái để ra bát. Bột cán tròn lớn hơn đậu một chút rồi cho đậu vào giữa bột vê tròn.
Cho nước vào nồi nấu sôi, khi sôi thả bánh đã viên sẵn vào nồi luộc, khi bột nổi lên là chín, với ra bỏ vào thau nước lạnh.
Cho đường vào nồi nước luộc bánh đun sôi lại, khi đường vừa độ ngọt và sôi thì bạn cho bánh vào, gừng tươi đập dập bỏ vào cho thơm. Quấy đều tay cho sôi trở lại là được.
Nước dừa nấu sôi nêm tí muối + tí đường và (bột mì quấy với nước) đổ vào nước dừa cho sền sệt là được.Khi ăn múc chè ra chén cho tí nước dừa và rắc vừng mè rang vàng vào, ăn nóng. Vừa thơm vừa ngon

Ở dưới này là chè trôi nước không nhân, mình thích cái này hơn là có nhân. Hồi xưa mẹ mình cũng hay nấu chè trôi nước không nhân cho mình ăn, mình thích nhất khâu ngồi nặn từng viên bột và thả vào nồi nước sôi, mẹ cho mình tha hồ sáng tạo với mấy cục bột, mình nặn con chó, con mèo, em bé, bông hoa. Chè nấu xong mình giành ăn hết tất cả các viên bột do mình nặn, thú thật là nó dở ẹt, không ngon bằng mấy viên tròn tròn của Mẹ. Rốt cuộc cũng phát hiện ra 1 điều là chè trôi nước cứ phải năn viên tròn tròn thì cục bột nó mới láng mướt và dẻo dẻo, chứ nắn hình hoa lá cành xong ấn cho nó dẹp lép thì khi nấu lên bột sẽ nhão lắm, ăn chả ra cái gì 😦


Leave a comment

Thịt ba chỉ xíu

Nguyên liệu:
– 1 miếng thịt ba chỉ hay thịt mông
– Chút đường phèn (dùng đường phèn để cho phần mỡ được trong), nước sốt đậu nành, xì dầu và 50ml nước lọc.
Cách làm:
– Thịt để nguyên khổ, bạn có thể chọn thịt vai thay cho thịt ba chỉ nếu thích.
– Rửa thịt dưới vòi nước để sạch chất bẩn, Đường phèn đập thật nhỏ. Cho thịt vào âu to, ướp lần lượt với nước lọc, đến nước sốt đậu nành, xì dầu và cuối cùng là đường phèn. Thời gian ướp là 1 tiếng hoặc có thể ướp qua đêm.
– Cách 1: Để lửa liu riu, nhỏ nhất có thể, cho thịt và các gia vị đã ướp vào nồi rồi đặt lên bếp. Nhớ đậy nắp để giữ hơi, món thịt sẽ chin nhừ và thơm hơn. Khi nước sốt từ từ cạn thì mở nắp và liên tục trở miếng thịt trong khi nước sốt đang rút dần để cho thịt thấm đều. Cách chế biến này không dùng đến dầu ăn, món thịt có độ mềm, béo mà không ngán. Nước sốt đậu nành và đường phèn là những gia vị làm nên hương vị của món thịt. Ngoài ăn với cơm nóng, bạn có thể dùng rau xà lách để cuốn thịt.
– Cách 2: Cho thịt vào khay nướng. Vặn lò 250 độ, nướng đến khi thịt chín. Mỗi 15-20′ trở mặt miếng thịt một lần
Mình thì áp dụng cả 2 cách tức là hầm riu riu trong nồi như cách 1, đến khi nước sốt cạn thì nhắc nồi ra, bỏ thịt vào lò, vặn nhiệt độ 150 độ nướng 2 lửa trong 20 phút, cứ 10 phút trở mặt và phết nước sốt lên mặt để thịt có màu đỏ đẹp
Một công thức khác lụm trên mạng
Nguyên liệu:
• 1kg thịt nạc dăm hay nạc thăn • 1 gói bột xá xíu • 2 thìa dầu hào, 1 thìa đường, 2 thìa xì dầu, 2 thìa dầu ăn, 1 thìa rượu thơm, 1 thìa nước cốt tỏi
Thực hiện:
• Thịt heo chọn nạc dăm ( để thịt không khô sau khi nướng ) hay nạc thăn ( tốt nhất là mua cây thăn nhỏ trong con heo gọi là thăn chuột). Thịt rửa sạch, để ráo. Cắt thịt thành những miếng bằng hai ngón tay chập lại và cố gắng giữ chiều dài tối đa của miếng thịt đang có ( với thịt thăn hay nạc dăm, còn với thăn chuột thì không cần vì đã thịt đã đúng kích cỡ để làm xá xíu ).
• Hòa hỗn hợp gia vị ướp với bột xá xíu (có bán ở tiệm tạp hóa), cho thịt vào ướp khỏang 1 ngày thì khi nướng sẽ ngon hơn vì gia vị thấm hết vào thịt.
• Cho thịt vào lò nướng chín thơm. Khi nướng có thể phết thêm nước ướp để thịt không bị khô .
• Thịt xá xíu cắt miếng mỏng vừa ăn mới ngon, dọn kèm dưa leo, hành lá.

Thêm 1 công thức khác nữa, công thức này không cần dùng nước sốt đậu nành
Thịt ba chỉ (ba rọi) 500 gram
Đường mạch nha 2 thìa (hoặc đường mật, đường thẻ / đường phèn: loại đường dùng để kho cá, thịt cho có màu hay làm nhân bánh trôi)
Mật ong 1 thìa
xì dầu (nước tương) 2 thìa
Dầu hào 1.5 thìa
Xì dầu ngọt 1thìa
Bột ngũ vị hương 0.5thìa cafe
2 thìa rượu ngũ vị hương (Ngâm ¼ lít rượu trắng với 20gr bột ngũ vị hương Ngâm qua 1 giờ là dùng được.)
tỏi băm nhuyễn, dầu vừng, hạt tiêu
Cách làm:
Thịt ba chỉ rửa sạch, thấm khô, cắt thành 2 – 3 miếng. Cho tất cả các nguyên liệu (trừ thịt) vào một cái nồi nhỏ. Để lửa vừa, khuấy đều các nguyên liệu đến khi đường mạch nha tan hết và các nguyên liệu hòa trộn đều với nhau thành hỗn hợp gia vị ướp hơi đặc & dính. Để nguội. Ướp thịt với sauce, dùng tay “massage” miếng thịt với sauce thật đều. Để tối thiểu 3 tiếng cho thịt ngấm gia vị (tốt nhất là để qua đêm). Nướng ở nhiệt độ 220 độ C đến khi thịt chín. Cứ khoảng 15-20 phút thì lật thịt 1 lần & lấy chổi quét nước ướp lên mặt thịt. Thái thịt thành miếng nhỏ.

Ghi chú: Nước sốt đậu nành chính là dark soya sause hay còn gọi là xì dầu đặc ra siêu thị hoặc các cửa hàng bán gia vị sẽ có, đây ko phải là loại xì dầu để chấm mà dùng để ướp món ăn. ngon nhất có thể chọn của Sing hoặc Lee Kum Kee của Hong Kong. Nước sốt ướp thịt hiệu Lee Kum Kee (tiếng Anh là Light Soyce Bean) là ngon nhất, tên chính xác của nó là Char Siu Sauce. Co.opmart ở Sài Gòn có bán gói nhỏ giá 12.000 đ 1 gói. Trên đó hướng dẫn ướp cho khoảng 500g thịt.


Leave a comment

Đậu hũ sốt me chua ngọt

Món đậu hũ sốt me chua ngọt này có thể làm món chay được nên mình xếp vô thư mục món chay. Làm nhanh mà ăn rất ngon.
Nguyên liệu:
– 2 bìa đậu phụ
– 1 miếng vắt me nhỏ, hoặc 1 hay 2 trái me tươi
– Ít nước mắm
– Tỏi, đường, ớt bột và ít dầu hào
– 2 thìa cà phê bột năng
– Hành lá.
Cách làm:
– Đậu phụ thái dày hay mỏng tùy bạn.
– Rán đậu phụ ngập dầu, nhớ lật hai bề mặt đậu phụ cho vàng đều.
– Vớt ra đĩa đã để sẵn giấy thấm bớt dầu ăn.
– Bột năng pha loãng với một ít nước.
– Me vắt bỏ ra bát, thêm ít nước sôi lấy muỗng chần cho me tan.
– Cho 2 muỗng dầu vào chảo, phi tỏi cho thơm, nhanh tay đổ nước sốt me ở trên vào.
– Nêm một chút dầu hào, đường, ớt bột, nêm chua ngọt, cay cay là được. Đổ bột năng vào cho hỗn hợp hơi sền sệt, đổ hành lá đã cắt nhỏ vào, trộn đều.
– Rưới nước sốt đều lên đậu phụ, dùng nóng với cơm trắng rất ngon.
(Công thức gốc ở trên là như vậy nhưng mình sáng tác thêm tương ớt hay tương ớt xí muội vào nước sốt, cho vào cùng với nước me để tạo thêm màu đỏ)

Bonus thêm món canh thiên lý nấu cua (Món này không phải món chay)

Tổng thiệt hại của bữa ăn này là 30.000 VND cho 2 người, mai mình lại mang menu này sang WTT đóng góp với mọi người cho vui.
Cua xay sẵn: 10.000 D
Hoa thiên lý: 6.000 d (2 lạng)
Đậu hũ : 6 miếng x 2.000d = 12.000 D
Hành lá, me, linh tinh = 2.000
Đậu hũ mình mua ở 1 lò làm đậu tại chợ Tân Sơn nhất của người Bắc, chỗ này bán đậu rất ngon, miếng đậu không trắng nhưng rất thơm mềm chứ không bã bã như mấy chỗ khác.


Leave a comment

Những món ăn dân dã ngày hè

Dạo này bên Webtretho có topic những món ăn gia đình hàng ngày với ngân sách phù hợp cho thời bão giá, mình vô đó tham khảo được khối món hay. Tự dưng bỗng nhớ lại cái hồi cách đây mấy chục năm, mỗi ngày đi chợ được phát đúng 4 ngàn đồng tiền chợ cho cả nhà mấy miệng ăn. Mình cũng chẳng nhớ nổi thời ấy giá cả thế nào nữa, chỉ biết là với số tiền ít ỏi ấy, bữa cơm hàng ngày của gia đình mình chỉ có đậu phụ, rau muống, trứng vịt chiên. Hôm nào sang lắm mới có tí thịt ba rọi luộc, kho hay rán. Còn thịt gà, thịt bò, thịt đùi, thịt giò heo chỉ có thể được nếm vào những dịp Tết. Haizzz, cứ mỗi lần đi chợ thật là đau đầu hết sức, chỉ có nhiêu đó tiền làm sao mà sáng tạo ra được nhiều món ăn đây. Thế là điệp khúc đậu phụ, rau muống, trứng vịt chiên cứ lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác.
Bây giờ có cảm giác đang trở lại cái xa xưa thời ấy mặc dù vẫn khá khẩm hơn một chút. Mình cũng nhân dịp này học lại tính tiết kiệm, kể ra mấy năm trước kinh tế khá, ăn nên làm ra nên mình cũng hơi tiêu hoang. Giờ lại quay trở lại với thói quen ghi sổ sách các khoản chi tiêu hàng ngày, lập kế hoạch chi tiêu, lên ngân sách đi chợ hàng tuần..vv…..Dẫu gì cũng là 1 thói quen tốt đáng hoan nghênh.
Mình đang thử lên thực đơn theo nhiều giá tiền khác nhau, sau đó post lên WTT cho các Mẹ bên đó tham khảo, nhưng trước tiên mình phải tự tay mua đồ về nấu nướng và thực hành, rồi mới có thể ra được thành phẩm cụ thể để show hàng cho các Mẹ bên đó xem.
Buổi hôm nay là thực đơn trị giá 20.000 VND / bữa (cho 2 người)
– Canh bầu nấu tép khô
– Tép khô rang giòn
Nguyên liệu:
– Mua 1 hộp tép sấy khô ở siêu thị, loại 100g giá 19.800 D / hộp, chỉ cần nửa hộp là đủ 1 bữa
– Bầu 1 trái to mua ở siêu thị giá 4.000 D
– Hành lá: 1.000 D
Thành tiền: 10.000 D tiền tép (nửa hũ) + 4.000 d bầu + 1.000 hành lá = 15.000 D….hehehe…vẫn còn dư 5.000 D chắc mua bó rau muống về xào tỏi quá, là coi như bữa ăn hôm nay có 3 món: tép rang giòn, canh bầu nấu tép, rau muống xào tỏi
Nguyên liệu:
– 50g tép khô
– 1 thìa canh đường, 1/2 thìa canh nước mắm, 1.5 thìa canh dầu ăn
– Hành lá, tiêu.
Cách làm:
– Tép khô cho ra rổ lắc nhẹ cho ra bớt bụi vụn rồi xả nước rửa sạch và vắt ráo.
– Cho dầu vào chảo đun nóng với lửa vừa, cho đường vào đun cho đến khi đường chuyển màu caramen thì cho tép vào đảo đều, tiếp theo cho nước mắm vào.
– Tiếp tục đảo đều để rang cho tép thấm nước mắm và đường, có màu vàng bóng đều đẹp, nêm nếm lại cho vừa ăn sao cho tép rang có vị mặn ngọt, khô lại là được.
– Tắt bếp rắc thêm hành lá thái nhỏ và tiêu vào trộn đều. Có thể dùng làm món ăn mặn với cơm hay ăn với xôi trắng cũng rất ngon.
Món canh bầu thì đơn giản thôi, xào chút tép cho thơm rồi đổ nước vào nấu sôi, nêm muối + bột nêm, cho bầu thái miếng nhỏ vào, bầu vừa xanh thì cho hành lá vào rồi tắt bếp. múc ra tô ăn nóng. Rắc thêm chút tiêu nếu thích.


Xem ra tự nấu ăn ở nhà ngon rẻ và sạch sẽ hơn ở ngoài quán, vì với 20.000 d, một người chỉ có thể ăn cơm ở mấy quán bình dân dành cho giới công nhân, thợ thuyền, người lao động. Thức ăn thì kinh khủng và vệ sinh thực phẩm miễn bàn. Còn 20.000 d của mình nấu được bữa ăn đơn giản mà vẫn ngon miệng cho 2 người.
Món tép rang này thật đưa cơm lắm đó, nhất là hôm nay, trời mưa….