miumiucooking

Nơi chia sẻ những thú vui nấu nướng


Leave a comment

Chocolate cookie, Red or White wine cookie

Cookie Rượu vang
Nguyên liệu:
160g bột mỳ
70g đường
100g bơ
2 tbsp rượu vang đỏ hay trắng
1 tsp bột quế
Cách làm
Rây bột mỳ.
Cho bột mỳ vào một chiếc tô, sau đó thêm đường, rượu vang vào trộn đều cho quyện vào nhau.
Bơ cắt nhỏ từng miếng, trộn vào cùng hỗn hợp bột ở trên cho đến khi thành khối bột mịn.
Bọc màng PE cả tô rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh ít nhất là 1 giờ
Lấy bột ra, cán bột dày ~3mm, dùng các cookie cutter dạng tròn, có các size khác nhau để cắt bột.
Đặt lên khay đã lót giấy nến.
Nướng ở nhiệt độ 180 độ, 10-15p hoặc đến khi bánh vàng. Bỏ bánh vào hộp kín dùng dần trong 10 ngày . Khi mở hộp bánh ra mùi rượu vang và quế bay ngào ngạt.

Bánh quy socola
Nguyên liệu :
_ 265g bột mì
_ 90g đường xay
_ 150g bơ
_ 50g socola đen hay trắng cũng được
_ 1/2 mcf muối
Cách làm :
1/ Đun cách thủy cho chảy socola
2/ Đánh bơ và cho đường vào từ từ đến khi chuyển màu vàng nhạt.
3/ Cho bột và socola chảy vào từ, đeo bao tay và dùng tay bóp trộn đều cho hòa quyện.
4/ Dàn cán bột dày 0,5cm vào giấy nến rồi cho lên ngăn đá cho se cứng.
5/ Nếu lấy bột ra quá cứng thì để cho rã khoảng 5′ rồi cắt thành hình vuông hoặc dùng cutter cắt hình tùy thích.
6/ Nhẹ nhàng đặt lên khay có lót giấy nến và cho vào lò đã nóng trước 10′, nướng 160 độ C – 15′ và sấy 100 độ C – 5′ là bánh cứng giòn.
7/ Lấy ra để nguội rồi cho vào lọ đậy kín bảo quản.


1 Comment

Trứng rán ngải cứu

Công dụng của lá ngải cứu: Người miền Bắc hay làm món này để chữa đau đầu rất tốt và thiếu máu. Ngoài ra ngãi cứu tính mát nên ăn món này chữa được bệnh về đường ruột tiêu chảy, bệnh rối loạn kinh nguyệt phụ nữ, dưỡng thai.
Trứng rán ngải cứu
Ngải cứu nhặt, rửa sạch, thái nhỏ.Trứng vịt đánh bông, trộn với ngải cứu và nước mắm.Cho một thìa dầu vào chảo, láng đều. Xúc từng muôi hỗn hợp trứng ngải cứu cho vào chảo và láng đều thành hình tròn. Rán chín hai mặt.
Mình thấy nhiều người khen cái món trứng ngải cứu này. Hôm nay đi chợ thấy có lá ngải cứu mua 1 bó về chiên trứng thử xem thế nào. Vì bó to quá chiên trứng không hết, mình nấu canh 1 mớ, 1 mớ xào tỏi.
Thứ thực là không khoái lắm, chắc ăn 1 lần thôi 😦
Lá có vị đắng, mùi như mùi lá xông (hình như lá xông bán ngoài chợ có bao gồm cả lá ngải cứu), lúc nấu canh mình đã rửa sạch lá và bóp nát ra để vắt bỏ bớt nước, mà canh vẫn hơi đắng 😦
Trứng rán ngải cứu thì ăn tạm được nhưng không thể làm cho mình nghiện được giống như 1 số người khác.
Lá ngải cứu xào tỏi ăn cũng ok, nhưng vẫn đắng 😦
Túm lại mình sẽ không nấu món này nữa.


Leave a comment

Cơm tấm sườn cốt lết chả trứng

Cách làm chả trứng
Kiểu Bắc :
Trứng gà (vịt) 5 quả
1 gói bún tàu (miến)
vài tai nấm mèo
hành tím 2 củ
1/2 chén nước
tiêu 1/4 muỗng cafe, muối 1/3 muỗng cafe, đường 1 muỗng cafe.
Ngâm bún tàu, nấm mèo cho mềm cắt nhỏ vừa ăn.
Đánh trứng tan , cho hành củ thái mỏng vào. Trộn đều gia vị (vì ăn với cơm tấm bì có nước mắm pha, nên không cần nêm mặn).
Cho vào khuôn, hay tô để chưng cách thủy, dùng đũa xâm không còn nước đục tươm lên là chả chín.
Nếu dùng oven, cho tô trứng đặt trên khay có nước, mở lò nóng 370 độ F , khoảng 20 phút, (tùy theo lò)
Để cho đẹp, khi trứng gần chín, trên mặt đã se khô, dùng lòng đỏ trứng pha thêm chút màu đỏ, quét lên mặt chả , để lại vào lò chút xíu lấy ra. Nhớ tráng khuôn hay tô bằng dầu để dễ lấy chả ra.
Cách làm chả trứng của người miền Nam.
Nấm rơm khoảng một nắm , cắt đôi, xào với hành củ cho thơm, trứng đánh ta, pha với gia vị, cho vào khuôn chưng, như trên.
Cách làm của người Hoa : Thay vì trứng tươi dùng trứng muối, bóp tan hòa vào nước, thêm thịt heo bằm. Nhiều tiêu cho thơm.
Cách nướng sườn để ăn cơm tấm:
Sườn cốt lết mua về đập sơ qua cho mềm. Uớp sườn với đầu hành đâm (hoặc hành tỏi băm) , dầu ăn (có thể thay bằng mỡ động vật), mật ong, nước mắm (hoặc nước tương nếu ai thích vị nước tương hơn), chút đường vàng. Ướp khoảng 30 phút cho thấm, nướng bằng lò nướng 15 phút ở 250 độ C, hoặc nướng bằng bếp than sẽ ngon hơn.Sườn nướng muốn ngon có thể có nhiều cách, nhưng trước hết không ướp sườn với muối, chỉ ướp nước tương hoặc nước mắm. Khi ướp sườn, nhất thiết phải có chút mật ong, chút nước cốt chanh và một ít dầu ăn, để thấm từ 2-3 tiếng.
Kỹ thuật nướng sườn 2 lần, sẽ làm cho sườn mềm hoặc 1 cách khác là hấp sườn cho chín sau đó ướp cho thật thấm và nướng sẽ làm cho sườn không bị khô và mềm. Khi nướng, không ấn miếng thịt mà phải để cho thịt chín tự nhiên và thường xuyên phết nước ướp lên sườn, tránh trở nhiều lần.
Lần đầu nướng sơ rồi cho trở lại vào nước ướp, thỉnh thoảng trở cho sườn thấm. Khi gần ăn mới lấy ra nướng lại cho sườn chín hẳn.
Trong khi nướng chỉ nên để lửa nhỏ vừa, chú ý là khi nướng thịt thì phải trở đều các mặt và thoa thêm chút ít dầu ăn ở mỗi bên thịt để thịt không bị khô .
Tùy ý chọn loại thịt sườn cốt lết có cả phần xương hay nạc thăn lưng, sử dụng miếng thịt nguyên bản lớn để được ngon, cắt ngang thịt thành lát mỏng khoảng 1, 5 cm. cho dễ nướng chín đều.
Nếu bạn có thời gian chuẩn bị hãy dùng mỡ động vật như mỡ nước thắng ra từ mỡ gà, để thay cho dầu thực vật hoặc mỡ heo, để ướp sườn heo là “độc chiêu” của một hàng cơm tấm nổi danh kia đấy.
Làm nước mắm ăn cơm tấm:
Cách 1: Muốn làm nước mắm cơm tấm ngon trước tiên bạn nên lấy nước dừa xiêm nấu sôi; sau đó để cho nước dừa xiêm hơi sánh lại rồi cho nước mắm ngon và ít đường vào sao cho vừa vị mặn & ngọt của bạn. Để thật nguội rồi mới cho ớt tỏi băm vào ( nếu cho ớt tỏi băm vào lúc nóng thì ớt tỏi sẽ bị chìm trông không ngon).
Cách 2 đơn giản hơn: Bắc bếp, cho nước mắm, đường theo tỷ lệ 1:1, nấu khoảng 10 phút cho sánh lại, nêm nước mắm vừa mặn. Nhắc xuống để nguội cho vào keo, khi nào ăn mới cho ớt tỏi băm vào. Làm kiểu này nước mắm không có vị chua, muốn chua thì cho dấm vào sau khi đã nấu tan đường và nước mắm, nêm thấy vừa miệng là được, còn nếu không cho dấm thì ăn kèm với đồ chua cũng có vị chua.
Cuối cùng thì món cơm tấm không thể thiếu mỡ hành, trang trí đĩa cơm tấm với dưa leo, cà chua xắt lát. Mình thấy ở cơm tấm Cali có món cơm tấm cháy giòn rất hay, cơm tấm cho vào khuôn nén hình tròn xong họ làm kiểu gì đó mà lớp vỏ vàng và giòn rụm, ở trong cơm vẫn nóng mềm, mình bèn nắn thử vài viên cơm tấm rồi tống vào lò nướng khoảng 15 phút thì có được cơm tấm giòn giòn, nhưng lần này chưa vàng mặt như ngoài tiệm, chắc là do để nhiệt độ lò thấp, lần sau tăng nhiệt độ lên và giảm thời gian nướng lại xem sao.
Làm đồ chua:
-1 giấm, 1 đường, 1.5 nước nấu sôi để nguội
-cà rốt, củ cải trắng bào sợi, nếu ăn với cơm tấm thì bào nhuyễn,
ăn kèm bánh mì hoặc cuốn bánh tráng với cá nướng thì bào cọng hơi to mới ngon.
– rửa lại với nước đá lạnh, xốc củ cải, cà rốt với chút đường,
-để khoảng 15 phút, cho vào thố, rót giấm đường cho vào tủ lạnh để qua đêm là được.
-nhớ rửa sạch thố đựng đồ chua đừng cho dính dầu mỡ sẽ giử được lâu.
-nếu thích có thể dằn một chút xíu muối trong dấm

Mình qua 1 blog khác thấy bạn này trình bày món cơm tấm rất hấp dẫn, chôm được của bạn ấy 1 số mẹo nhỏ như sau, để dành áp dụng:
1. Để đảm bảo miếng thịt không cháy và không khô, thay vì nướng, mình chiên. Có 1 mẹo chiên thịt mềm, chín nhưng không cháy: để dầu nhiều, lửa hơi to, cho miếng thịt vào chiên nhanh đến khi thịt chín tới. Sau đó tắt lửa, đổ dầu ra ngoài, để chảo dầu hơi cạn, lúc này mới để lửa nhỏ hoặc vừa vừa cho miếng thịt chaý cạnh là được.
Nướng thì thịt cho ra màu đẹp hơn, nhưng quả thực khó thực hiện trong gia đình vì nếu dùng lò nướng thì thịt sẽ rất khô, còn dùng than thì phải phết hỗn hợp sốt liên tục cho thịt chín mà ko khô. Chiên thì nhanh và đảm bảo thịt ko khô.
2. Chả trứng: sau khi hấp, mình bỏ tiếp vào lò nướng ở mức 200độC, khoảng 45 phút cho chả thiệt ráo.
3. Lạp xưởng: lạp xưởng có cách chiên riêng, gọi là chiên nước. Tức là ban đầu đổ nước xâm xấp cây lạp xưởng, đun đến khi nước cạn, để lửa nhỏ đến khi tự cây lạp xưởng tiết ra mỡ, dùng mỡ này chiên tiếp đến khi cây lạp xưởng ráo mặt lại và hơi cháy cạnh là được. Lạp xưởng chiên kiểu này chín mềm mà rất thơm.
Link:

Cơm sườn bì chả


Leave a comment

Vịt om nước cốt dừa

Nguyên liệu:
– Vịt 1 con (không nên dùng vịt non)
– Sả 3 củ
– Dừa nạo tươi: 3 lạng
– Bột canh, nước hàng, gừng, muối, rượu.
– Húng, mùi tàu, hành lá, ớt.
Cách làm:
– Vịt rửa sạch, dùng hỗn hợp gừng giã, muối rượu sát kỹ trong ngoài cho hết mùi hôi, rửa lại để ráo.
– Sả băm nhỏ.
– Dừa giã nhuyễn vắt lấy lưng bát tô nước cốt.
– Chặt vịt thành miếng vừa ăn, ướp sả, hai thìa bột canh, một thìa nhỏ nước hàng, vài lát ớt và nước cốt dừa trong khoảng 30 phút.
– Đặt chảo vịt lên bếp (nên dùng chảo hoặc xoong rộng miệng để làm món này), đun nhỏ lửa, lúc đầu đậy vung, thỉnh thoảng đảo cho vịt ngấm đều.
– Khi thấy vịt đã chín mềm, mở vung đảo đều tay cho tới khi vịt gần cạn nước, cho thêm nửa chén rượu, bắc xuống.
– Vịt màu cánh gián, thịt mềm mà chắc, không nát, thơm mùi sả, mùi dừa. Sắp ra cùng rau thơm, ăn với bún hoặc cơm đều được.


Leave a comment

Mì Quảng tôm thịt

Trên mạng có nhiều công thức nấu mì quảng nhưng hầu hết đều viết rất sơ sài qua loa. Mò mãi mới thấy có bài này khá tỷ mỉ chi tiết, đặc biệt là cách nấu nước lèo rất khác những bài trước, mình ưng ý quá bèn copy lại.
Vật Liệu:
-2 kg mì Quảng. Có thể thay thế bằng phở khô sợi to.
-1 kg xương heo, hay xương gà.
-1 kg thịt heo nạc, hoặc thịt gà ức.
-1 kg tôm tươi, loại tôm cỏ hoặc tôm bạc vỏ mỏng.
-200 gr đậu phộng rang
-3 bánh tráng mè loại dày
-1 búp chuối hột (chuối sứ)
– Rau salad, rau thơm(húng, trà quế), rau muống chẻ, giá sống.
-Nước mắm, hành tím, tỏi khô, tiêu, đường, bột ngọt, hột điều màu (tuỳ ý).
-Chanh, tỏi, ớt, hành, ngò. Chuẩn bị:
– Nếu không mua được mì Quảng, ta có thể dùng bánh phở khô sợi to, ngâm nước nóng, rồi trụng với nước có pha bột nghệ. Đem xáo lại nước lạnh, rồi xáo với dầu ăn đã khử hành cho thơm, cho sợi mì không bị dính lại.
-Nước lèo, xương heo đem rửa sạch, để ráo. Hai lít nước đun sôi, bỏ xương vào nồi hầm mềm. Trong lúc hầm, nêm vô muỗng cafe muối, vớt bọt thường xuyên cho nước trong.
– Thịt heo (gà) xắt ra từng miếng, dày mỏng tùy ý. Ướp hành, tiêu, muối, đường.
– Tôm cắt bỏ đầu đuôi, rút chỉ lưng. Nếu không sợ cholesterol thì lấy gạch của tôm, bằng cách lột đầu tôm, cắt đầu để riêng, giã nát nhuyễn. Cho vào 1 tsp nước chanh để ngăn giảm sự lên mùi. Lúc xào nhân thì bỏ chung vào với tôm. Rửa tôm để ráo, nếu không muốn ăn vỏ, thì lột vỏ bỏ. Cũng ướp muối,tiêu, đường.
– Bánh tráng mè đem nướng vàng.
– Đậu phộng rang chín, chà sạch vỏ, giã nhỏ.
– Búp chuối bào mỏng, ngâm vào nước lạnh có vắt chanh, đến khi gần dọn ăn sẽ xả lại nước lạnh, để ráo.
– Rau salad, rau thơm (húng) các thứ đem nhặt, rửa sạch, để ráo, cắt nhỏ, trộn chung với bắp chuối bào và rau muống chẻ cùng giá đã rửa sạch (ăn sống hoặc trụng tuỳ ý).
Cách nấu:
– Đổ thêm vô nồi xương hầm một lít nước sôi, đập dập 3 củ hành tím đã lột vỏ, bỏ vô nồi xương, nêm thêm vô 3 muỗng canh nước mắm + muỗng cafe đường + muỗng cafe bột ngọt + chút tiêu, nêm nếm nước dùng cho vừa ăn, giữ nóng trên bếp.
– Bắc xoong bỏ vô 5 muỗng canh dầu ăn, dầu nóng cho muỗng súp hột điều màu vô xào cho ra hết màu, vớt bỏ xác, đổ dầu hột điều này vô cái chén riêng, bỏ thêm vô nồi 5 muỗng canh dầu ăn nữa, bỏ 5 củ hành tím bào mỏng + 3 tép tỏi đập dập vô xào cho thơm, bỏ thịt vô xào, trút tôm, đầu gạch tôm vô chung , tôm chín cho thịt vô trộn đều, nêm vô 3 muõng súp nước mắm + muỗng cafe bột ngọt + trộn đều cho tôm và thịt thấm gia vị, múc vài vá nước hầm xương đổ vào nồi tôm thịt, nấu thêm một chút nữa , sau đó múc nước hầm xương đổ thêm vô cho ngập sâm sấp mặt tôm thịt, nêm nếm cho vừa ăn, chan chén dầu hột điều vô nồi tôm thịt, để nhỏ lửa, giữ cho nồi tôm thịt luôn nóng.
-Bắc chảo mỡ, phi thêm một ít hành tím, đổ dầu hành vô nồi nước dùng cho thơm và béo.
-Hỗn hợp rau giá bỏ dưới tô, đến mì, hành ngò, chan nước nhưng sâm sấp, nặn chanh, bỏ ớt vào, đậu phụng, cùng với bánh tráng mè bóp nhỏ.
Ghi chú:
Mì Quảng được ăn theo dạng khô, sợi mì chỉ thấm ướt nước lèo và không chan nhiều nước như hủ tiếu hay phở. Ăn Mì Quảng phải ăn nhiều rau mới ngon. Có người thêm vào nồi nhân thịt cua, thịt gà ức, chả cá thác lác, hay là giò chả, mực ống xắt lát mỏng, tô mì sẽ phong phú và hấp dẫn hơn. Có người còn cho thêm cà chua, tạo nước nhưn sền sệt, ngon hơn.
Nước lèo dùng củ sắn, thơm tươi (không có thì dùng thơm hộp). Thịt ba rọi thái nhỏ phi cho ra bớt mỡ đảo tỏi bầm, hành hương cho thơm đổ nước vào. Củ sắn thái nhỏ hạt lựu thả vào, thơm (dứa) cũng cho vào lúc này, để lửa nhỏ cho chút muối, đường phèn. Dùng nồi đất nếu có, kho tôm và thịt hay sườn tùy ý với đầu hành trắng cho thơm. Cho dầu hạt điều vào lấy màu đỏ cho đẹp. Khi thịt và tôm đã mềm thả vào nồi nước lèo, muốn cho cà chua cũng ngon. (Mì Quảng là món nấu lại những thịt thà còn lại của buổi tiệc ngày hôm trước, giống như món bún già (dà) là món bún nấu lại những thịt và tôm còn lại sau khi ăn món gỏi cuốn)
Muốn ăn mì Quảng có cá, thì chiên cá cho vàng để sẵn, trước khi ăn 10. 20 phút, thả vào nồi. Còn dư heo Quay, vịt quay cũng có thể nấu mì Quảng. Vào tiệm ăn mì Quảng, mà người ta dọn con tôm hùm trên tô là… không phải mì Quảng.
Mì Quảng mà chan ngập nước cũng không phải luôn, ngon là ở cái nước sột sệt vừa đủ thấm cọng mì, cái béo ngọt, mềm của những món cũ được nấu lại quyện vào sợi mì (là loại bánh tráng bằng bột gạo trong nhà ngày xưa, khi muốn ăn mì Quảng người ta trộn bột nghệ vào bột trước khi tráng bánh).
Hôm nay mình không mua bánh đa nên mì quảng của mình thiếu bánh đa nướng


Leave a comment

Bún chân giò dọc mùng

Dọc mùng (tiếng Nam gọi là cây bạc hà), thường thấy trong các món canh chua của người Nam (bạc hà nấu chung với thơm, giá, đậu bắp, cà chua). Ở miền Bắc có món bún nấu với chân giò, sườn, mọc và dọc mùng (bạc hà) rất ngon.
Bún sợi (bún rối)
Chân giò
Giò sống
Dọc mùng
Me (hoặc dấm bỗng)
Cà chua, hành tươi, nghệ tươi
Nước mắm, bột nêm, đường
Dọc mùng tước vỏ, thái vát thành miếng dài vừa ăn, rắc lên một chút muối, để 5 phút rồi dùng tay bóp nhẹ cho ra hết nước. Đem dọc mùng rửa sạch trong nước lã rồi vắt ráo nước. Thịt chân giò ướp với nghệ tươi và gia vị, luộc lấy nước. Khi chín, vớt ra để nguội, thái miếng mỏng, hơi to bản một chút. Móng giò chặt miếng nhỏ vừa ăn, ướp với nước nghệ tươi, gia vị cho ngấm. Bắc nồi nước lên bếp, cho móng vào đun sôi, hớt hết bọt. Ninh móng giò trên bếp nhỏ lửa, cho thêm me, cà chua bổ miếng cau vào nồi nước. Nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. Khi móng chín mềm, viên giò sống thành viên nhỏ, bỏ vào nước dùng
Chần dọc mùng đã làm sạch trong nồi nước
Khi ăn lấy bún để dưới cùng, xếp thịt chân giò và móng giò lên trên, rắc chút rau thơm, hành hoa, thêm dọc mùng lên trên cùng, chan nước canh nóng.
bundocmung1


Leave a comment

Bánh đa kê – món ăn của tuổi thơ

Hôm rồi đi siêu thị thấy có bánh đa nướng bỏ bọc, tự dưng nhớ tới món bánh đa kê hồi nhỏ, món ăn của một thời tuổi thơ nghèo khó thiếu thốn đủ thứ vật chất nhưng không bao giờ thiếu tiếng cười . Từ hồi vào Sài Gòn mình không còn thấy những gánh bánh đa kê quẩy trên đôi thúng của các cô các chị nữa. Thế là món ăn ấy dần đi vào ký ức, thấm thoát mà đã mấy chục năm.
Có ngờ đâu mấy chục năm sau, vào 1 ngày mưa gió đùng đùng, mình lại lên mạng tìm công thức nấu chè kê, rồi lọ mọ chui vào bếp nấu, và giờ đang ngồi nhâm nhi mấy cái bánh đa nướng trét chè kê để hồi tưởng lại quá khứ 

Nguyên liệu:
– 100gr kê
– 250gr đường
– Bánh đa
Cách làm:
1. 100gr kê vo sạch, cho vào nồi cỡ vừa, đổ vào khoảng một lít nước ngâm kê chừng một giờ. (chọn cỡ nồi sao cho mực nước cao hơn kê khoảng 4 -5 phân,tương đương ba lóng tay người lớn).
2. Cho nồi kê lên bếp mở lửa, canh chừng vừa chớm sôi thì hạ lửa tối đa chỉ để cho nước sôi váng hơi lăn tăn rất nhẹ, dùng đũa gỗ hoặc vá muỗng kim loại khuấy nhẹ trong mươi giây (đừng dùng dụng cụ muỗng đũa bằng nhựa mélanin để khuấy, món ăn sẽ bị dây mùi nhựa). Để sôi nhẹ qua năm ba phút rồi lại khuấy tiếp mươi lăm giây nữa, cứ như vậy cho đến khi xong. Thăm chừng thấy hột kê nở ra và mềm, thử bằng cách múc vài hột, thổi nguội rồi cho vào giữa hai đầu ngón tay vo nhẹ thấy nát mịn là được. Cho vào khoảng 250gr đường hoặc tùy thích gia giảm đôi chút, khuấy đều tay cho đến khi thấy tan đường hoàn toàn. Thăm chừng cho kê cạn nước dần và đặc lại từ từ, tùy thích để chè đặc ít nhiều nhưng thông thường là thử độ đặc của chè bằng cách dùng cái muỗng nhỏ múc ít chè rồi đổ ra lại thấy chè quánh hẳn và nhểu chậm ra như hồ đặc là được.
3. Tùy thích dùng ít vani, nước hoa bưởi… cho vào nồi kê để tạo mùi nhưng nếu có kê mới thì không ai dùng hương liệu cho vào chè cả vì kê mới, nấu chè rất thơm.
4. Thực phẩm phụ ăn kèm chè kê:- Bánh tráng mè nướng dòn.- Đậu xanh tán: Dùng chừng 200gr đậu xanh cà đã đãi vỏ, vo sạch, nấu chín như nấu cơm cho thật ráo hột, bới ra để nguội dùng máy xay cắt có dao hình chữ S làm cho mịn nhuyễn rồi tải mỏng ra để cho ráo ở dạng hơi khô để có thể rắc được. Bếp VN hay làm đậu tán theo cách cổ truyền là sau khi đậu chín, cho vào cối giã cho mịn nhuyễn rồi dùng tay vo thành viên tròn thật chắc, để nguội và khô, cần dùng bao nhiêu thì lấy dao mỏng bén cắt gọt vào viên đậu để lấy đậu tơi nhuyễn ra bấy nhiêu.- Cơm dừa khô nạo sợi mỏng trụng qua nước sôi để ráo.
5. Trình bày món ăn: Đa số người vùng Bình Trị Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) hay múc chè kê ra chén nhưng khi ăn lại dùng bánh tráng mè nướng bẻ nhỏ và cầm miếng bánh tráng xúc chè thay cho cái muỗng. Trong khi nhiều người Bắc lại thích nấu chè kê thật đặc, khi ăn, bẻ bánh tráng nướng ra thành miếng nhỏ, phết chè lên, rắc thêm ít đậu xanh tán hay cơm dừa nạo rồi đặt một miếng bánh tráng khác lên kẹp lại. Đây là cách ăn mà trẻ em rất thích. (Mình cũng rất thích 


Leave a comment

Đầu cá hồi nấu canh chua – món ngon dễ nấu

Nguyên liệu:
Đầu cá hồi (có thể mua ở siêu thị)
Măng chua
Cà chua
Hành, thì là, rau ngò gai, ớt xừng, bột nêm, nước mắm
Me vắt hay me trái
Cách làm
Măng chua rửa sạch vắt ráo nước, cà chua một phần xắt hạt lựu để xào chung với măng, một phần xắt múi cau
Me trái hay me vắt lọc lấy nước me
Đầu cá hồi rửa sạch, khử mùi tanh bằng cách rửa với muối, xong cho chút rượu trắng vào để khử mùi
Chảo nóng, phi tỏi cho thơm, đổ đầu cá vào xào cùng với cà chua cho đến khi cà mềm thì cho măng vào xào cùng, nêm bột nêm + nước mắm đảo cho thấm, xong đổ nước vào nấu đến khi cá vừa chín thì cho cà chua xắt múi cau vào, nêm lại bột nêm + nước mắm + nước cốt me vắt cho vừa miệng, rắc hành là + thì là thái nhỏ + vài lát ớt sừng lên để trang trí (có thể thay thì là bằng rau ngò gai nếu thích).
Dọn ra ăn nóng với bún, có thể làm món canh hay lẩu tùy thích. Món này ăn rất ngon và rất tốt cho sức khỏe vì cá hồi chưá nhiều chất omega.

Một số cách khử mùi tanh của đầu cá hồi:
– Đầu cá hồi muốn bớt tanh, chặt miếng rồi rán qua cho xém vàng rồi mới nấu.
– Ngâm trong sữa tươi khoảng 15 phút, không cần ngâm ngập chỉ cần có đủ láng bề mặt thôi. Khi nào nấu thì rửa lại bằng nước lạnh.
– Để giảm mùi tanh của cá hồi, chà với muối, rửa lại với nước lạnh, xong rửa thêm 1 lần với giấm ăn, đảm bảo không còn mùi tanh nữa.