miumiucooking

Nơi chia sẻ những thú vui nấu nướng


Leave a comment

Bún giò heo

Hôm bữa mình thèm bún bò quá nhưng đi siêu thị không có bắp bò, đành mua tạm mấy cái móng giò heo về nấu món bún giò heo theo kiểu bún bò Huế. Nấu xong ăn cũng đã cơn ghiền lắm, nói chung mình chẳng thấy khác gì vị bún bò Huế (dù không có bắp bò), nên mình suy ra rằng cái vị của món bún bò Huế thực ra là nhờ nước hầm từ giò heo, vị của mắm ruốc huế, sả. (Nhất là vị của mắm ruốc huế, thiếu cái này chắc không bao giờ ra bún bò). Thường thường, khi ăn bún bò huế mình hầu như không ăn nhiều thịt bò và chân giò, mình ăn chủ yếu bún, nước và rau sống. Nên từ nay có lẽ mình sẽ nấu bún bò huế không cần bắp bò nữa vì với mình chỉ cần nước dùng thơm ngon đúng vị là được.

Post lại cách nấu bún bò huế (công thức đơn giản hơn công thức mình post lần trước, và chỉ có giò heo, không có bắp bò):
Nguyên Liệu :
– Giò heo, Bún sợi to, Sả, Hành tím, Mắm ruốc Huế, Ớt bột, Nước mắm, Ớt trái, hành tây, Tỏi, Gia vị: muối, chanh, đường, tiêu, bột ngọt. Hạt điều màu
– Rau răm, hành, ngò mỗi thứ một ít
– Rau ăn kèm: rau muống bào, giá, bắp chuối bào, rau thơm các loại.
Cách làm:
– Trong 1 cái chén, hòa tan mắm ruốc với nứơc lạnh, Giã 1 củ hành tím và 1 trái ớt hiểm cho vào chén mắm ruốc pha nước lọc, đợi lắng trong rồi lấy nước ở trên, đổ bỏ phần cặn lắng ở đáy đi.
– Giò heo rửa sạch ướp với chút nước ruốc lọc + nước mắm + bột ngọt để khoảng 15 phút hay nửa tiếng cho thấm.
– Đổ giò heo vào nồi, cho nước lạnh vào, thêm vào một ít muối + bột ngọt vào nồi nước luộc giò heo + bó sả cây đập dập + củ hành tây + hành tím đập dập. Hầm giò heo khoảng 40-45 phút cho mềm, vớt ra cho vào nồi nước lạnh cho giò heo giòn và trắng, sau đó vớt giò heo ra để riêng. (Lưu ý trong quá trình hầm nhớ để lửa vừa, dùng muôi hớt bọt để nước dùng được trong).
– Vớt bỏ hành tây, hành tím, sả trong nồi ra bỏ đi để lấy nước hầm nấu bún giò heo.
– Làm hỗn hợp nước ruốc: Đun chảo mỡ nóng, cho hành tím thái mỏng vào xào cho vàng, kế đến cho sả đã băm nhuyễn, ớt bột, bột hột điều dầu (nếu không có ớt bột hạt điều dầu thì cho sa tế vào khoảng nửa muỗng cà phê) để tạo màu và 1 trái ớt chín bằm nhỏ vào xào vàng. Cho hỗn hợp nước mắm ruốc đã lọc ở trên vào chảo nấu chung cho tới khi hỗn hợp sôi, nước rút cạn bớt, hỗn hợp sẽ cô đặc lại hơi sệt sệt thì tắt bếp nhắc chảo ra. Hỗn hợp này cho vào nồi nước lèo để tạo mùi thơm đặc trưng của bún giò heo và tạo màu cho nước lèo. Lưu ý: Không cho hỗn hợp nước ruốc vào lúc nồi nước dùng đang sôi để không bị tanh mùi ruốc. Khi hầm giò heo xong, tắt bếp, để nồi nước dùng nguội bớt, trong khi đó xào hỗn hợp nước ruốc, xong mới cho hỗn hợp nước ruốc màu vào nồi nước lèo đã nguội bớt để tạo màu và mùi vị, lúc này cũng là lúc nêm bột ngọt và nước mắm vào nồi nước lèo cho vừa ăn. Trước khi ăn bật bếp nấu cho nước dùng sôi trở lại (để lửa vừa, sôi riu riu chứ không sôi bùng lên vì nếu nước lèo sôi bùng lên sẽ bị tanh mùi ruốc và bị bay mất chất, nước dùng chan vào bún phải nóng thật nóng mới ngon).
Cách thắng màu điều: Nếu không có bột hạt điều dầu thì thắng màu bằng hạt điều: Phi hạt điều màu với dầu ăn đến khi dầu ăn chuyển sang màu đỏ thì vớt bỏ hạt điều dầu đi, lấy nước màu để cho vào nồi nước lèo. Lưu ý đừng thắng lâu quá hạt sẽ bị khét, màu sẽ bị đắng
– Bún bò trần qua nước sôi cho bớt vị chua, xếp bún vào tô, xếp giò heo lên trên rắc hành tây cắt mỏng, rau răm và chan nuớc dùng vừa với mặt bún thêm vài lát ớt . Dùng nóng với rau bắp chuối + rau muống + giá + rau thơm .
Mình cũng sưu tầm được trên internet cách nấu bún giò heo của người Trung, không nấu với mắm ruốc Huế, mình chưa thử lần nào vì thấy cách nấu đơn giản quá, không biết có ngon không nữa:
Đây là món ăn của miền Nam Trung Bộ. Đặc biệt là người dân Nha Trang, dù sống ở nơi nào, hầu như không ai không biết đến tô bún giò heo. Một món ngon với nguyên liệu và cách làm rất đơn giản
Nguyên liệu:
– Giò heo.
– Rau sống các loại.
– Các gia vị nêm nếm gồm: hành lá, hạt ớt màu (hạt điều), nước mắm, bột ngọt…
Cách làm:
– Cho hạt ớt màu vào nồi, cùng một chút dầu, tao đều để có nước màu. Chắt ra chén, bỏ hột, lấy nước màu.
– Cho giò chặt khoanh tròn vào nồi nước, bỏ vô tí muối, hầm cho đến khi giò mềm. Vớt bọt cho nồi nước trong và khoanh giò thật hồng.
– Nêm nước mắm vừa đủ, cho nước màu tao vào.
– Bỏ hành lá, xắt cọng dài cùng đầu hành vô nồi rồi nhắc xuống.
Bỏ bún vào tô, múc nước và giò lên trên. Nước mắm phải là mắm nguyên giằm ớt. Rau sống ăn cùng bún giò phải càng nhiều các loại rau trộn đều càng ngon. Ngoài ra, phải có chanh và ớt xay ngâm ăn cùng.

bungioheo21

bungioheo22

bungioheo2


5 Comments

Cách làm bánh Flan mịn như thạch

Trước đây mình làm bánh Flan hay bị rỗ nhưng mình cũng không để ý lắm vì tưởng bánh Flan là phải rỗ như thế. Nhưng sau khi tham quan các bếp nhà khác, mình phát hiện có nhiều người làm bánh Flan mịn như thạch, mình cứ thắc mắc mãi không hiểu sao họ làm được như thế. Lên google gõ từ khóa “Bánh Flan mịn không bị rỗ”, thế là tìm ra ngay câu trả lời.
Mình tổng hợp lại từ nhiều nguồn cách làm bánh Flan mịn như thạch và không bị rỗ, cứ theo các lưu ý sau đây mà làm đảm bảo bánh Flan sẽ đạt yêu cầu:

1. Nên lựa những quả trứng có lỗ khí rõ ràng, lắc nhẹ không nghe thấy âm thanh (ọc ọc) bên trong. Trứng làm bánh Flan phải để ở nhiệt độ phòng.
2. Khi làm bánh flan không được đánh hỗn hợp trứng sữa quá mạnh tay. Đánh mạnh quá cũng sẽ làm bánh rỗ vì sẽ tạo bọt khí trong hỗn hợp. Người ta chỉ khuấy thật nhẹ, khuấy theo 1 chiều duy nhất cho trứng tan ra. Tip: bạn không nhấc cái khuấy ra khỏi đáy tô, ngược lại còn ấn nhẹ cái khuấy vào thành và đáy! Làm như thế bạn sẽ không tạo cơ hội cho bọt khí (kẻ thù tạo những lổ rỗng xấu xí cho bánh flan) len vào hỗn hợp trứng, vì lòng trắng rất dễ tạo bọt.
3. Khuấy hỗn hợp trứng xong thì đổ qua 1 cái rây lỗ nhỏ để lược bỏ lợn cợn của lòng trắng đi. Những cái lợn cợn này sẽ làm bánh bị rỗ. Trước khi đổ hỗn hợp trứng sữa vào khuôn thì thì lược hỗn hợp qua rây thêm 1 lần nữa.
4. Nếu nướng cách thủy bằng lò nướng thì phải bật lò trước khoảng 10 phút cho nhiệt độ lò ổn định.
5. Nhiệt độ của lò nướng để từ 135 – 150 độ tùy theo lò, thời gian nướng trung bình từ 35 – 50 phút tùy kích cỡ của khuôn bánh (Lò nhà mình để ở nhiệt độ 140 độ, khuôn muffin nhỏ, thời gian nướng là 35 phút).
6. Khay nướng để ở cách ngăn đáy 1 nấc, không để sát đáy. Đổ nước vào gần đầy khay rồi cho các khuôn bánh vào đó nướng cách thủy.
7. Nếu bánh Flan rỗ mặt: Thường gặp với phương pháp hấp cách thủy, do hơi nước bốc lên, đọng lại ở nắp vung và chảy xuống gây rỗ bề mặt flan. Cách khắc phục: Dùng 2 cái khăn sạch và thấm nước tốt. Một cái phủ lên trên các cốc Flan, một cái phủ lên miệng nồi rồi đậy vung lên. Cẩn thận nữa thì cứ cách khoảng 5 phút các bạn có thể mở vung lau sạch nước đọng. Cũng có thể đậy nắp hoặc bọc khuôn Flan bằng nilon thực phẩm, giấy bạc… Nhưng nếu bọc thì nhớ bọc kín vì nếu hở thì hơi nước vẫn có thể đọng lại trên những tấm nắp bọc này.
8. Nếu làm bánh Flan bằng cách hấp: Bạn phải để lửa vừa và không cho quá nhiều nước trong nồi hấp, thời gian hấp từ 30-40 phút. Khi hấp, thỉnh thoảng mở vung để hơi nước thoát bớt. Hơi nước quá nhiều sẽ làm bánh dễ rỗ. Bạn phải thường xuyên lau vung nồi sau khoảng 5 phút để hơi nước ngưng tụ trên nắp vung không nhỏ giọt vào khay khiến bánh bị đọng nước, rỗ mặt.
9. Muốn biết bánh chín hay chưa: thấy bề mặt hỗn hợp trơn láng, không loãng, dùng que xiên sâu vào bề mặt thấy hỗn hợp không dính que là thành phẩm đã chín.
10. Ngoài ra, bạn nên chú ý lượng lòng trắng trứng. Nếu trứng có lòng trắng quá nhiều thì bánh cũng bị rỗ. Vì thế nếu gặp loại trứng lòng trắng to thì nên bớt một chút lòng trắng, thêm chút vani, như thế bánh sẽ không rỗ, lại không tanh mùi trứng.
11. Cách làm đường caramel: Bạn cho đường cùng 1 lượng nước vừa phải (nước xâm xấp đường) vào nồi hoặc chảo, tốt nhất là bằng kim loại sáng để dễ quan sát độ chuyển màu của caramel. Để lửa vừa phải và tuyệt đối không khuấy đường trong nồi! Bạn để yên cái nồi cho đến khi đường đã tan ra hết, nổi bọt và xung quanh thành đã bắt đầu chuyển màu vàng nâu, khi đấy bạn mới lắc lắc chảo hay nồi để đường tan đều, vì đôi khi đường tan trước ở chính giữa còn xung quanh vẫn chưa tan hay ngược lại. Bạn quan sát kĩ, khi thấy caramel hơi chuyển sang màu nâu cánh gián thì tắt ngay, và dùng muỗng từ từ múc nước lạnh (từ cái chén ở gần bếp) vào nồi. Nhớ là phải từ từ từng chút một vì caramel gặp nước sẽ bắn lên và bạn sẽ có thể bị phỏng đó! Bạn phải làm nhanh tay vì caramel sau khi nhấc ra khỏi bếp vẫn sẽ tiếp tục đổi màu, và rất dễ bị cháy. Một khi đã có mùi khét từ caramel thì bạn phải làm lại từ đầu thôi. Caramel cháy ăn không tốt cho sức khỏe. Có thể thay nước lạnh bằng nước cốt chanh cho caramel có hương vị dịu hơn. Sau đó nhanh tay trút caramel vào từng khuôn bánh. Nếu trút chưa xong mà caramel trong nồi bị đông cứng lại thì bạn cho chút nước vào nồi caramel, bắc nồi lên bếp. Đun lửa vừa cho caramel chảy ra lại, đến khi nước gần cạn, caramel tan chảy, thấy bọt sôi lên thì nhanh tay trút nốt chỗ caramel này vào khuôn.

Công thức bánh Flan: Có nhiều công thức, đơn giản nhất là Flan với sữa tươi và trứng gà, cầu kỳ hơn có Flan với trứng, sữa tươi, sữa đặc, hay trứng, sữa, whipping cream..v..v…Mình thường hay làm với trứng và sữa tươi. Dưới đây là 1 số công thức tham khảo (Công thức nào cũng ok nhưng quan trọng nhất là cách làm, muốn bánh ngon, mịn, không rỗ thì cứ tuân thủ các nguyên tắc ở trên là được).

Công thức 1:
2 quả trứng (ở nhiệt độ phòng ), 2 lòng đỏ trứng (ở nhiệt độ phòng), 500ml sữa (có thể kết hợp sữa và kem cho béo và mềm hơn), 50gr đường trắng (cho bánh flan), 90gr đường trắng (để làm caramel)
Cách làm:
Bước 1: Thắng caramel: Đọc ở phần cách làm caramel ở trên. Thắng xong đổ caramel vào khuôn, tráng cho đều đáy.
Bước 2: Khuấy trứng gà theo các nguyên tắc đã ghi ở trên: Khuấy nhẹ theo 1 chiều duy nhất. (Khuấy chứ không phải đánh)
Bước 3: Lọc trứng gà qua rây để loại bỏ lợn cợn.
Bước 4: Nấu sữa: Đun nóng sữa đến khỏang 80 độ C, lúc ấy xung quanh nồi bắt đầu nổi những bọt nhỏ li ti và hơi nước đã bốc lên thì tắt bếp. Bạn đừng để cho sữa bị sôi, sẽ phá hỏng màng chất béo trong cấu tạo sữa, cho đường vào khuấy cho tan. Để cho sữa nguội một chút mới đổ vào trứng.
Bước 5: Đổ sữa từ từ vào hỗn hợp trứng, khuấy đều tay và nhẹ nhàng. Tuyệt đối không đổ sữa ào ào 1 lúc, trứng sẽ bị vón cục. Sau khi đã chế hết sữa vào trứng thì bạn lược hỗn hợp qua 1 cái rây để bỏ bọt và lợn cợn. Lúc này bạn có thể cho 1 muỗng cà phê tinh chất vanilla để tạo mùi thơm.
Bước 6: chế hỗn hợp trứng sữa vào khuôn đã tráng caramel. Nếu bạn cẩn thận thì lúc chế xong vớt bỏ bọt nổi trên mặt.
Bước 7: Lấy giấy nhôm bọc kín khuôn. Điều này giúp bánh flan không bị khô. Cho khuôn vào khay đã chế nước gần ngập khay. Lưu ý là lò nướng và khay phải khởi động trước 10 phút. Nướng ở 140 độ C trong khoảng 30-35 phút. Dùng tăm thử độ chín của bánh. Bạn để bánh nguội rồi cất trong tủ lạnh trước khi ăn. Khi ăn bạn dùng dao khóet nhẹ quanh thành, sau đó úp ngược lên đĩa.
Nếu làm bánh Flan bằng cách hấp: Bạn phải để lửa vừa và không cho quá nhiều nước trong nồi hấp. Khi hấp, thỉnh thoảng mở vung để hơi nước thoát bớt. Hơi nước quá nhiều sẽ làm bánh dễ rỗ. Bạn phải thường xuyên lau vung nồi sau khoảng 5 phút để hơi nước ngưng tụ trên nắp vung không nhỏ giọt vào khay khiến bánh bị đọng nước, rỗ mặt.

Công thức 2:
Nguyên liệu:
* 400ml sữa tươi
* 100ml kem tươi (whipping cream, nếu không có whipping cream thì dùng hết bằng sữa tươi là 500ml)
* 70gr đường
* 4 lòng đỏ trứng + 2 trứng
* 2 ống vanilla
* một dúm muối
Caramel:
* 50gr đường
* 20ml nước
* 15ml nước cốt chanh
Cách làm: Xem ở trên

Công thức 3 cho vào lò nướng cách thủy, không hấp:

Bánh; 3 trứng gà nguyên trái, 350 ml sữa tươi, 120 g sữa đặc có đường

Caramel: 80 g đường, 45 ml nước,

Cách làm xem ở trên, nướng ở 180 độ 35-40 phút tùy lò

flan1

flan2

flan5

flan6

flan7


Leave a comment

Gà nướng cà chua

Nguyên liệu (dành cho 4 phần ăn)
4 đùi gà to hoặc cánh gà
300g cà chua bi.
2 quả cà chua lớn cắt làm tư.
2 quả cà rốt cắt thành khoanh dày.
3 cây tỏi tây vừa, chỉ dùng từ phần màu trắng đến xanh nhạt, chẻ làm đôi và cắt khúc 4cm.
1 củ tỏi lớn hoặc húng quế tươi, dầu oliu, Muối và tiêu.
Cách làm:
Chuẩn bị sẵn lò ở nhiệt độ 170oC.
Ướp gà với muối và tiêu, xếp thành một lớp lên khay nướng. Cho cà rốt và cà chua vào xen kẽ ở giữa và phía dưới các miếng gà. Lắc nhẹ khay để dàn phẳng thịt gà.
Rải húng quế hoặc tỏi băm lên mặt, thêm một chút dầu ô liu và cuối cùng là chút muối, tiêu lên trên cùng.
Cho nguyên khay vào lò nướng khoảng 1 tiếng. Khi được nửa tiếng, bạn nhớ lật mặt gà và cà chua một lần. Tăng nhiệt độ lên 230oC và tiếp tục quay trong 20 phút nhưng nhớ cứ 10 phút thì giở mặt một lần cho đến khi thấy gà chuyển sang màu nâu, da trông có vẻ giòn, phần thịt săn lại, tách ra khỏi phần xương một chút là được.
Ăn kèm với sốt cà chua và salad và đừng quên lấy phần tỏi ra khỏi da gà trước khi mang lên nhé các bạn!

ganuongcachua


Leave a comment

Gà nướng chanh, tỏi & lá thơm

Nguyên liệu:
1 con gà làm sẵn để nướng, khoảng 2,2 kg-2,7kg
Muối biển
Hạt tiêu đen xay nhỏ
1 nắm lá thơm tươi (rosemery)
2 quả chanh vàng
3 củ tỏi, cắt ngang làm đôi
3 củ cà rốt, bổ miếng con chì
2 củ hành tây, cắt thành miếng
2 thìa canh (tbsp) dầu oliu
Cách làm:
Vặn lò nóng ở 425o F (210oC).
Rửa sạch trong và ngoài gà. Loại bỏ mỡ và da thừa (nếu có) phần bụng, lau khô bằng giấy bếp.
Đặt gà nguyên con vào khay nướng lớn. Rắc nhiều tiêu, muối đều vào phía trong gà, rồi dùng tay sát đều muối tiêu vào phần trong bụng gà.
Nhồi tất cả lá thơm (bớt lại một phần để trang trí), 2 nửa quả chanh, và 2 nửa nguyên tỏi vào bụng gà.
Dùng chổi quét dầu oliu đều khắp ngoài da gà, tiếp tục rắc thêm muối, tiêu và dùng tay sát đều muối tiêu lên khắp da gà.
Lấy chỉ buộc cố định 2 đùi gà, gài cánh dọc theo thân gà. Bổ dọc quả chanh làm 4 phần, xếp đều trên khay cùng với lá thơm, cà rốt, hành tây và tỏi còn lại quanh gà. Dùng thìa trộn phần rau xung quanh gà với một ít muối, tiêu và dầu oliu.
Cho khay nướng vào lò, nướng khoảng 1 giờ đến khi châm thử phần giữa cánh và đùi thấy nước gà trong. Lấy khay ra khỏi lò.
Gà cắt miếng, dùng nóng cùng với 1 ly vang trắng.

ganuongchanhlathom1

ganuongchanhlathom2


Leave a comment

Gà nướng bơ tỏi, gà nướng mật ong

Món gà nướng bơ tỏi này thật đơn giản, chỉ là phết bơ, muối và tỏi băm lên con gà, ướp, và nướng đến khi vàng giòn.

canhganuongbotoi

Gà nướng mật ong:
Nguyên liệu: Cánh gà, Tỏi, hành tây, Nước mắm, bột nêm, Mật ong, Dầu ăn
Cách làm:
– Cánh gà mua về rửa sạch bằng nước muối, để cho ráo nước. Khía dọc cánh gà để gia vị ngấm sâu vào cánh. Băm tỏi và hành tây thật nhỏ. Ướp gà với 2 muỗng tỏi bằm, 2 muỗng hành tây, 1 muỗng nước mắm, ½ muỗng hạt nêm, trộn đều và để cho gia vị ngấm vào cánh ta nên để khoảng vài giờ hoặc để vào tủ lạnh qua đêm.
– Chế biến dầu thoa gà: Cho 2 muỗng dầu ăn, 1 muỗng xì dầu, 1 muỗng mật ong rừng nguyên chất rồi trộn đều hỗn hợp này với nhau. Sau khi đã thực hiện xong tất cả các bước trên thì ta cho gà vào nướng. Khi nướng cánh gà bằng than cần lưu ý lật cánh gà liên tục để tránh bị cháy nhé. Tới khi cánh gà chín thoa lên gà hỗn hợp dầu thoa gà nói trên. Dầu này có tác dụng làm cho cánh gà vàng đều, tạo mùi thơm hấp dẫn. Nướng tới khi gà chuyển sang màu vàng là được.
– Khi nướng cánh gà bằng lò vi sóng thì ta chỉ cần bật lò ở 375 f hoặc 180 f cho gà vào nướng khoảng 10 phút thì chuyển sang chế độ lửa trên, rồi thoa lên cánh gà hỗn hợp dầu thoa gà. Sau khi thoa hỗn hợp này lên cứ 1 phút thì lật cánh gà một lần. Đợi tới khi cánh gà vàng đều là được.

canhganuongmatongap


Leave a comment

Cơm gà hải nam, nộm su hào cà rốt

Cơm gà Hải Nam
Nguyên liệu: 1 con gà ta, Gừng,hành lá,tỏi
Gia vị: bột nêm, Dầu mè, Màu vàng thực phẩm hay bột nghệ( ko có cũng ko sao)
Luộc gà trong nước cùng vài lát gừng,hành lá đập dập và ít gia vị bột nêm. Sau đó vớt gà cho qua nồi nước lạnh để da gà giòn, vớt ra để ráo, dùng chổi quét màu vàng hay bột nghệ (hoặc nước thắng từ mỡ gà) lên da gà (nếu da gà ko vàng), rồi quét ít dầu mè lên gà cho gà bóng và thơm.
Dùng nước súp luộc gà để nấu cơm. Đồng thời phi tỏi,gừng băm nhuyễn cùng hành lá cắt khúc cho thơm rồi đổ vào nồi cơm nấu chung.
Pha sốt: gừng,tỏi xay nhuyễn + sốt luộc gà + chanh + muối + đường + bột ngọt + tương ớt (nếu thích ăn cay)
Gà chặt miếng vừa ăn bày lên dĩa dùng kèm cơm gà.

comgathuonghai

Nộm su hào cà rốt đơn giản không cần tôm thịt
1 củ su hào, 1 củ cà rốt
Gia vị: chanh, đường, tỏi, ớt, bột canh
Các loại rau sống: rau mùi, mùi tàu, kinh giới, húng láng, mỗi loại một mớ.
½ bát lạc rang, vừng rang giã nhỏ.
Su hào, cà rốt gọt vỏ rồi bào thành sợi dài, nhỏ.
Sau đó, chần xu hào,cà rốt qua nước sôi để loại bớt mùi hăng rồi vắt khô, bỏ vào cái tô trộn.
Các loại rau sống rửa sạch và thái nhỏ.
Cho cốt chanh, đường, tỏi, ớt, bột canh vào tô xu hào, cà rốt, trộn đều và để khoảng 10 – 15 phút cho gia vị ngấm đều vào nhau.
Trước khi ăn, trộn các loại rau sống vào bát nộm
Cuối cùng là rắc lạc và vừng đã rang giã nhỏ lên trên, trộn đều thêm một lần nữa.
Trình bày món nộm ra cái đĩa sành miệng rộng, thêm vài cọng rau kinh giới, rau mùi lên trên cho đẹp mắt. Món này làm gỏi chay cũng được vì không có thịt động vật.

nomsuhao1


Leave a comment

Gà rán sốt chanh mật ong

Nguyên liệu:
600g cánh gà, cắt đôi hoặc đùi gà, cắt miếng vừa ăn
Gia vị ướp thịt gà: trộn tất cả: 2 thìa cafe ngũ vị hương, 1 thìa rượu (mình dùng rượu ngũ vị hương đang có sẵn ở nhà, nên dùng 2 thìa), 1 củ hành tây nhỏ băm vụn, 1 thìa cafe muối, chút xíu đường, chút nước mắm
Gia vị cho phần sốt chanh mật ong: trộn tất cả: 50ml nước chanh vàng (khoảng 1/2 quả), 1 thìa dầu hào, 1 thìa đường (bớt nếu không thích sốt ngọt nhiều), 1 thìa mật ong, nước ướp thịt gà còn dư.
Cách làm:
1. Dùng dĩa xâm nhiều lỗ lên thịt. Ướp gia vị ít nhất 30 phút.
2. Giữ lại nước ướp gà cho vào gia vị cho phần nước. Đem thịt rán vàng trên lửa to với chút dầu, rán mặt có da trước cho ra mỡ, không cần chín bên trong mà thấy bên ngoài thịt vàng là được.
3. Chắt bớt nước mỡ trong chảo (đừng chắt bỏ hết nếu thích thịt gà béo ngậy ), cho phần nguyên liệu làm nước sốt đã chuẩn bị vào chảo, đun 5-10 phút cho sốt sánh lại, thịt gà ngấm sốt và chín hoàn toàn cả bên trong.

gasotchanhdauhao


1 Comment

Gỏi đu đủ Thái – Som Tam

Gỏi đu đủ Thái có tên là Som Tam hay Som Tum là 1 món ăn đường phố nổi tiếng của Thái, với vị chua chua ngọt ngọt đặc trưng của gỏi và vị cay cay, đặc trưng của hầu hết món ăn Thái. Hồi trước mình ăn món này ở bên Thái, cứ nghĩ chắc làm ra nó cũng cầu kỳ lắm đây, ai dè hôm nay nghiên cứu trên mạng thử thấy cách làm dễ ẹt à, mình làm chỉ khoảng 15 phút là xong, có ngay 1 đĩa gỏi đúng vị Thái luôn.
Cách làm món gỏi này rất dễ, món này được trộn bằng cách giã trong cối vì thế mới có tên là Som Tam (món ăn giã trong cối, có vị chua).
Các nguyên liệu cơ bản để làm món gỏi đu đủ này:
Cà chua bi xắt đôi, Đậu que cắt khúc, Đu đủ xanh bào sợi, Tôm khô ngâm nước cho mềm, Con ba khía (mắm ba khía – nếu có càng ngon, không có cũng được), Gia vị: Tỏi, Ớt hiểm trái, Nước mắm, Đường, Chanh. Đậu phộng rang (có thêm hay ko cũng được)
Nguyên tắc làm món này là giã nhẹ nhẹ (chứ không phải giã nát) tất cả các nguyên liệu trong cối để cho các hương vị thấm quyện vào nhau, bỏ các nguyên liệu vào cối nghiền theo thứ tự sau:

Giã Tỏi và Ớt trước, tiếp theo cho tôm khô vào giã, cho đậu que vào giã, cho cà chua vào giã, tiếp theo cho Đường, chanh, nước mắm vào giã, rồi cho con ba khía – mắm ba khía (nếu có) vào, bóc bỏ mai ba khía, tách ba khía thành từng phần nhỏ bỏ vào cối, trộn đều các nguyên liệu vào nhau cho thấm, nếm lại trước khi cho đu đủ bào vào và thêm gia vị vào nếu cần thiết (chanh đường nước mắm), tiếp theo cho đu đủ vào trộn đều và rắc đậu phộng lên, dọn ra đĩa và trang trí.

Chanh đường nước mắm trộn vào gỏi theo tỷ lệ sau: 2 Nước mắm : 2 Chanh : 1 Đường = 2:2:1. (Ví dụ : 2 thìa canh nước mắm, 2 thìa canh chanh, 1 thìa canh đường).

Trong video clip dạy làm Som Tam của người Thái dưới đây họ sử dụng Palm Suger (đường thốt nốt), nhìn đường này có vẻ dẻo dẻo chứ không phải loại đường thốt nốt miếng to như ở ta. Có lẽ đường này cho vào món gỏi của họ sẽ có vị đậm đà hơn, nhưng ở ta không có đường này thì cứ sử dụng đường thường cũng được.
Phần nguyên liệu tôm khô: Ai kẹt quá không có tôm khô cũng có thể làm món Som Tam này không có tôm khô cũng được, nhưng gỏi sẽ thiếu đi mất 1 vị. Hôm nay mình không có tôm khô nhưng món gỏi vẫn ngon, chủ yếu là do cái nước trộn chua ngọt cay cay.
Muốn cho gỏi Som Tam có vị đậm đà hơn nữa, có thể cho thêm con ba khía (mắm ba khía) vào giã cùng với các nguyên liệu. Ở Thái họ còn cho cả mắm tôm thái hay mắm cá thái vào. Xem ở video clip thứ 3 sẽ thấy họ cho ba khiá vào gỏi càng hấp dẫn hơn nữa!
Gỏi Som Tam thường ăn với gà nướng, xôi, hoặc ăn với bún và rau sống để giảm bớt độ cay.
Ngoài các nguyên liệu cơ bản trên Som Tam còn có các biến thể khác ở ngay tại Thái Lan, Campuchia, Lào hay các nước khác, vì thế nguyên vật liệu cũng có thể thay đổi. Cũng có cách trộn gỏi khác dùng xoài xanh, táo, dưa chuột, bắp chuối, cà rốt, mắm cá thái, mắm tôm Thái và các loại rau trái còn xanh khác.

Còn đây là món gỏi Som Tam không có tôm khô và không có ba khía của mình:

goidudusontam

3 video dạy làm Som Tam: video 1 không có tôm khô, video 2 có tôm khô, video 3 có thêm mắm ba khía


Leave a comment

French Toast

Nguyên liệu:
3 quả trứng, 180 ml sữa tươi, chút xíu muối, 1/4 thìa cà phê vani và ¼ thìa cà phê bột quế, 6 lát bánh mì (bánh mì gối hay bánh mì thường), bơ .
Cách làm:
Đập trứng vào 1 cái tô, quậy tan, cho sữa tươi vào quậy đều, cho muối, vani, bột quế vào, quậy cho hỗn hợp hòa quyện.
Chảo nóng cho bơ vào, láng bơ cho tan chảy đều mặt chảo, nhúng lát bánh mì vào hỗn hợp trứng sữa (nhúng ngập cả 2 mặt), lấy bánh ra khỏi tô sữa rũ rũ cho hỗn hợp chảy ra bớt khỏi lát bánh mì, cho lát bánh mì vào chảo rán vàng 2 mặt.
Món ăn sáng này làm rất nhanh và đơn giản, nhưng cực kỳ thơm ngon và đầy đủ chất bổ dưỡng cũng như năng lượng. Ăn không cũng ngon hoặc ăn kèm với xúc xích, thịt nguội, jambon, phô mai…v..v…Hoặc rắc đường bột lên trên, rưới si rô trái cây, mật ong, và lát trái cây như chuối, dâu tây, táo, lê, sốt táo và bột quế…..nói chung là biến tấu rất đa dạng, kèm thêm 1 cốc sữa tươi hay nước ép trái cây, thế là có 1 bữa sáng tuyệt cú mèo!

frentoastca1

frentoastca2

frechtoasthong

frenctoastcu1

Video hướng dẫn cách làm French Toast


Leave a comment

Gà nấu rượu vang

Nguyên liệu
– Thịt gà, Hành tây bi, Hành boaro, Cà rốt, Cần tây, Bột mì, – Xốt cà hộp, lá thơm, rượu vang đỏ, muối, tiêu đen, đường, dầu ăn, Hạt nêm.
– Hành tây bi, hành boaro, cà rốt và cần tây cắt khối vuông khoảng 3cm.
– Đùi gà chặt làm ba, ướp gà và rau củ với lá thơm, tiêu đen và rượu vang đỏ, giữ trong tủ lạnh ít nhất 12h. Sau đó tách riệng thịt gà, rau và rượu vang. Ướp thịt gà với hạt nêm và 1 ít muối, tiêu, để thấm.
Chiên vàng thịt gà, gắp ra để riêng. Cho các loại rau củ vào xào đến khi có màu vàng nâu, thêm bột mì, xốt cà hộp vào xào cho lên màu, đảo nhe tay cho thịt gà thấm. Thêm rượu vang vào đun sôi, vớt bọt, nấu lửa nhỏ đến khi nước cạn 1 nửa. Thêm nước vào xấp mặt thịt, nêm đường và 1 ít muối, đun nhỏ lửa cho đến khi thịt chín mềm.
Ướp gà lâu để rượu thấm kỹ vào thịt gà tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn. Khi nấu thỉnh thoảng đảo nhẹ để thịt không bị khét.
Múc gà nấu rượu vang ra dĩa sâu lòng, dùng chung với bánh mì.

gasotvang