miumiucooking

Nơi chia sẻ những thú vui nấu nướng


Leave a comment

Nấu xôi bằng nồi cơm điện

Hôm nay mình đã thành công với món xôi đậu xanh nấu bằng nồi cơm điện. Mọi lần toàn đồ xôi bằng xửng thì xôi rất ngon và mềm, mấy lần nấu thử bằng nồi cơm điện thì toàn bị nhão, mình tập mãi cuối cùng cũng thành công và bí quyết hóa ra chỉ ở chuyện đổ nước vào nồi. Nếu nấu xôi bằng nồi cơm điện thì gạo nếp không cần ngâm qua đêm, đến khi gần nấu thì vo gạo để cho ráo một chút trước khi đổ vào nồi nấu. Các loại hạt nấu chung với xôi như hạt đậu xanh, đậu đen, đậu phộng…thì phải ngâm qua đêm, loại hạt nào có vỏ thì ngâm cho mềm rồi bỏ vỏ . Đậu phộng, đậu đen và các loại đậu cứng thì phải luộc qua cho mềm rồi mới cho vào nấu chung với xôi. Đậu xanh thì chỉ cần ngâm qua đêm, hôm sau vo sạch và xả nước nhiều lần , để ráo một chút rồi trộn chung với gạo nếp để nấu. Nếu muốn đậu xanh mềm hơn nữa thì sau khi ngâm qua đêm, sáng hôm sau vo, xả sạch đậu rồi nấu 1 nồi nước sôi, nhắc nồi nước này ra khỏi bếp, cho đậu vào ngâm trong nước nóng thêm khoảng nửa giờ nữa rồi vớt ra, khi đậu ráo nước thì trộn chung với nếp và chút muối rồi nấu chín. Khi nấu, trộn chung gạo nếp với các loại hạt và trộn chung một chút muối vào cho xôi có vị đậm đà. Nhớ nhé, phải cho chút muối vào xôi mới ngon, bí quyết đấy. Mình nấu nửa ký gạo nếp và 1 lạng đậu xanh (đã bỏ vỏ) thì dùng khoảng nửa muỗng cà phê muối. Liều lượng: Hạt chiếm khoảng 1/2 lượng gạo nếp là vừa. Ví dụ gạo nếp 500gr thì đậu xanh khoảng 200 – 250gr là ok. Gạo, hạt vo sạch để ráo, trộn chung với nhau và chút muối, cho vào nồi cơm điện, đổ nước xâm xấp mặt gạo (nước cách mặt gạo không quá 5mm). Bật nút nấu cơm. Khi nồi cơm chuyển sang chế độ hâm nóng (warm) thì mở nắp, lấy thìa hoặc đũa xới cho tơi, lúc này xôi vẫn chưa mềm đâu. Nếm thử nếu thấy hơi nhạt chưa vừa ý thì cho thêm muối. Đóng nắp nồi, vẫn để ở chế độ Warm, đợi thêm khoảng 10 phút nữa xôi sẽ chín hẳn và rất mềm, thơm,  cho chút mỡ hành, dầu ăn hoặc phi mỡ gà  để lấy nước mỡ, trộn đều vào xôi rồi để  thêm 5 phút. Dầu ăn hay mỡ gà làm cho hạt xôi bóng, dẻo, rời, thơm, không bị khô.)

Một số mẹo nhỏ đồ xôi bằng chõ (xửng hấp) học lóm trên mạng: Nếu đồ xôi bằng chõ (xửng hấp) thì gạo nếp vo sạch, ngâm qua đêm từ 10-20 tiếng, đồ xôi 2 lần, có người tối đồ xôi lần 1 xong để qua đêm, đến sáng đồ lần 2, xôi sẽ dẻo cả ngày. Nếu đồ 1 lần thì đồ kỹ và phải ngâm gạo qua đêm , trong khi đồ xôi  thỉnh thoảng mở nắp, đảo gạo trong xửng. Chõ để đồ xôi bằng gỗ là ngon nhất  (gỗ mít là tốt nhất) vì hơi nước sẽ không bị đọng lại trên nắp xửng mà tỏa đều trong xửng nên gạo sẽ thấm nước đều. Có người vừa hấp xôi vừa để 1 con gà (đã làm sạch) lên trên, khi xôi chín thì gà cũng chín bằng hơi nước, thế là có gà hấp xôi rất thơm. Đây là thành phẩm xôi nấu bằng nồi cơm điện của mình, hạt nếp cũng mềm chả kém gì xôi đồ, tuy nhiên lần sau mình phải ngâm đậu xanh lâu hơn rồi mới cho vào nếp để cho đậu mềm hơn.xdx


Leave a comment

Nabeyaki Udon – video

Dạo này mình lại chuyển sang hứng thú với ẩm thực Nhật mới ghê chứ. Mình mê mẩn các món mì Nhật, các thể loại cơm Bento (nhìn thích hơn ăn), và các loại bánh Mochi, nói chung là các loại bánh Nhật, rồi Sushi nữa. Vì sao nó hấp dẫn mình? Trước tiên vì đẹp, quá đẹp là khác. Đẹp từ hình thức, cách bài trí, trang trí món ăn, đến cách tạo hình. Ví dụ với bánh ngọt mà có tới hàng trăm kiểu tạo hình khác nhau. Rồi cách họ bày biện chén, đĩa cũng rất chi là tinh tế. Món ăn của họ luôn tạo nên cảm giác thanh nhã mà không ngán, hơn nữa họ lại sử dụng rất nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe như rong biển, các loại gia vị, nước sốt gì đó làm từ cá….Mỗi người đầu bếp như 1 nghệ nhân vậy đó, vì cái cách họ chăm chút tỉ mỉ từng món ăn làm cho món ăn trở nên 1 tác phẩm nghệ thuật.
Món mì Udon là 1 trong những món ăn nổi tiếng của Nhật, mình đã từng ăn nó, nhưng ở bên Hongkong. Chưa có dịp ăn bên Nhật nên kỳ này tìm thử công thức trên mạng để nấu theo kiểu Nhật xem sao (hôm đó giờ toàn ăn mì lai không à).
Đây là video dạy cách nấu món mì Nabeyaki Udon của Nhật. Muốn làm món này với đúng hương vị và phong cách Nhật bạn phải kiếm cho ra các nguyên liệu như trong video, có thể mua ở mấy cửa hàng bán thực phẩm Nhật. Nếu không có đủ thì bạn cũng có thể biến tấu đi một chút, như vậy bạn sẽ có món mì lai.
Cách làm sợi mì Udon thì mình đã post ở đây, Nếu bạn siêng thì có thể tự làm sợi mì, nếu không siêng thì ra siêu thị mua mì bán sẵn (siêu thị Coopmart có bán):
Công thứclàm sợi mì: https://miumiucooking.wordpress.com/2013/03/13/mi-udon-thu-cong/

Công thức nấu nước dùng cho Nabeyaki Udon có thể tham khảo thêm trong bài viết này:
http://www.lafujimama.com/2011/12/nabeyaki-udon/
Sau đó xem video dưới để thực hành:


Leave a comment

Sô cô la phủ dâu tây

Đây là món tráng miệng rất ngọt ngào và dễ thương, vô cùng thích hợp cho các bữa tiệc, đặc biệt thích hợp cho ngày Valentine vì tính chất ngọt ngào của nó. (Chả hiểu sao cứ nhắc tới Valentine là y như rằng mọi người sẽ nghĩ tới hoa hồng và sô cô la. Vậy thì món dâu tây phủ sô cô la này quả là 1 ý tưởng không bao giờ lạc hậu. Những ai đang có ý đồ làm quà hand made để tặng người ấy trong ngày Valentine, có thể tham khảo ý tưởng này, không tốn nhiều tiền, lại dễ làm nữa, đảm bảo sẽ không bao giờ thất bại khi làm món này.)

Làm món này chỉ cần 2 nguyên liệu chính là quả dâu tây tươi và sô cô la (dạng sô cô la để làm ganache phủ bánh kem hay sô cô la chip cũng ok) (Dark and white chocolate). Sô cô la thì quay chảy hay chưng cách thủy (nếu chưng thì lưu ý không để hơi nước rơi vào sô cô la, sẽ làm sô cô la bị vón cục).
Cách trang trí: Xem video


Leave a comment

Cơm nắm muối mè

Hôm nay mình lại bày trò làm cơm nắm.Trò này vui phết, cũng giống như tụi con nít chơi đồ hàng vậy á, tụi nó lấy đất sét nắn nắn một hồi ra đử thứ hình con này con kia, mình không có đất sét thì mình lấy bột làm bánh ra chơi, nhưng hôm nay mình không làm bánh nên mình thổi cơm, sẵn lấy cơm nóng ra nhào nhào được một cục cơm nắm, nhìn giống như quả trứng gà hay quả bóng tròn xoe, trắng tinh, mịn màng..yêu yêu là…
Rồi mình làm thêm muối mè đậu phộng để ăn với cơm nắm cho đúng kiểu. Cơm nắm cắt ra từng khoanh, chấm với muối mè ngon lắm lắm luôn. Món này có thể ăn sáng nè, có thể mang đi xa cho các buổi dã ngoại nè. Vừa tiện lợi, vừa để lâu được. Có thể bổ sung vào thực đơn các món chay và các món dinh dưỡng làm đẹp nữa.
Ngoài việc dùng để ăn ra, cơm nắm có thể dùng để tẩy các nếp nhăn trên mặt. Cơm sau khi nấu chín, chọn chỗ cơm mềm nhất, chọn lúc cơm còn ấm nhưng không quá nóng, lấy ra vò thành nắm tròn, sau đó đặt lên mặt xoa đi xoa lại xung quanh mặt cho tới khi nắm cơm chuyển thành màu đen và thấm dầu, tẩy trừ đi các chất dàu mỡ, bụi bẩn ở trong lỗ chân lông, sau đó rửa sạch mặt bằng nước lạnh, như thế sẽ làm cho da hô hấp được thông suốt, giảm bớt nếp nhăn. (Nguồn: Sachyte.com)
http://sachyte.com/Mon-An-Lam-Bien-Mat-Nep-Nhan-n1473.html
Công thức làm muối mè
Nguyên liệu :
100g mè trắng hay mè đen cũng được, mình làm mè đen vì mè đen có tác dụng bổ máu, làm đen tóc (dạo này mình bị mọc tóc bạc nên phải đề phòng 😦
100g đậu phộng
1 thìa cafe muối hạt mịn (thìa vơi, hoặc gạt ngang, hoặc vun tùy theo khẩu vị mặn nhạt từng người).
1 chút đường nếu thích có vị ngọt.
Muối rang đến khi nhảy lách tách trong chảo
Mè nhặt sạn, rang vàng đến khi hạt nhảy lách tách và mè dậy mùi thơm lừng. Cho ra ngoài giã mịn chung với muối rang để cho mè dậy mùi thơm đặc trưng (bí quyết)
Đậu phộng (lạc) cũng rang vàng,bóc vỏ, giã vụn vụn.
Cho đậu, vừng và muối (và chút đường nếu thích có vị ngọt) vào tô lớn trộn đều, xong bỏ lọ kín kèm theo 1 gói hút ẩm, cất nơi khô mát, dùng trong vòng 1 tháng. Nếu muốn để lâu nên cho vào tủ lạnh để tránh hôi dầu.

Cách làm cơm nắm:
Chọn gạo ngon như gạo tài nguyên, gạo tám thơm, hay bất cứ loại nào ngon đều ok, nấu thành cơm như bình thường, đừng khô cũng đừng nhão. Cơm chín, dùng một miếng vải lớn, mặt vải láng (loại khăn sữa của em bé hay khăn mặt bông mềm cũng tốt), trải lên mâm, xới cơm lên vải. Cơm khi nắm phải còn nóng. Túm miếng vải lại và dùng tay đè xuống, trở đều các mặt, nhồi như nhồi bột làm bánh. Làm nhiều lần, hạt cơm nát ra, quyện vào nhau. Cuối cùng, xoắn miếng vải lại và vặn thật chặt cho cơm kết dính lại. Gở bỏ miếng vải ra, cơm có hình dạng như chiếc bánh bao. Khi nguội, cơm sẽ dính chặt lại, bạn dùng dao cắt lát khoảng 1cm.
Động tác nhồi này làm cho hạt cơm kết dính với nhau thành một khối, vì vậy nếu bạn nhồi không kỹ nắm cơm sẽ không chắc và bị vỡ. Sau khi nhồi thật đều khoảng 5-10 phút, dùng tay nén nắm cơm chặt lại thành hình dáng tùy thích (hình tròn, hình vuông hoặc hình trụ dài) rồi dỡ khăn ra, để cho nguội, nhớ đậy khăn vải bên trên để cơm khỏi bị khô (cơm nắm phải để nguội mới ăn vì khi đó hạt cơm mới dính chắc và khi ăn có vị ngọt rất đậm của tinh bột). Cơm nắm đúng kiểu nông thôn miền Bắc khi ăn dùng sợi dây nylon hoặc sợi chỉ sạch siết vòng quanh để cắt lát giống như cách dùng lạt cắt bánh chưng, làm thế để khỏi dính cơm vào lưỡi dao và dễ cắt hơn, nắm cơm không bị vỡ.
Cơm nắm ăn kèm với muối mè, muối mè đậu phộng, thịt gà rim, cốt lết, sườn ram, tôm kho đánh, ruốc sỏi….rất ngon.
Một số món ăn đi kèm với cơm nắm.
Ruốc sỏi: Ruốc sỏi làm kiểu người Bắc rất ngon và trẻ con sẽ rất thích, bạn băm nhuyễn thịt nạc thăn hoặc nạc đùi heo (không dùng thịt mỡ), ướp nước mắm ngon, tùy thích thêm ít đường hoặc bột nêm cho dịu, rồi cho lên chảo xào trên lửa nhỏ với ít dầu đã phi thơm hành tỏi, thịt săn lại rồi rang tiếp cho thịt ráo và rời từng hạt như muối đậu, dậy mùi thơm của nước mắm ngon rất hấp dẫn.
Tôm kho đánh:
Mua ½ kg tôm sú nhỏ, tươi.
300 g nạc dăm
Tôm lột bắc cầu (bỏ đầu, bỏ đuôi, để vỏ trên lưng tôm)
Ướp tiêu hành, nước mắm, đường để đó
Thịt dăm cắt lát mỏng, ướp gia vị, đem kho trước, đổ nước lút, kho xong còn xăm xắp, đổ tôm vào đánh cho đều, gạch tôm sẽ ra đỏ au rất đẹp. Kho thấm dùng chấm cơm bới, ăn rất ngon. Ngoài ra có thể thêm gà, sườn, rim mặn để ăn cũng tiện.

cn1
cn3
cn4
cn5