miumiucooking

Nơi chia sẻ những thú vui nấu nướng


Leave a comment

Coktail trái cây

Nguyên liệu:
Thơm xắt miếng nhỏ
Trái xơ ri
Trái tắc lột vỏ, tước xơ, cắt múi đôi, bỏ hạt
Mít thái sợi dài
Nho bỏ hạt hay để nguyên cũng được
Mận, xoài, táo, lê xắt miếng nhỏ
Nếu thích có thể cho thêm các loại trái sau: Lồng mứt (hồng xiêm), thanh long, kiwi, dâu tây. Tất cả xắt miếng nhỏ.
Ướp đường vào thố trái cây hỗn hợp. Riêng với trái thơm và xơ ri, để riêng trong 2 thố khác nhau, ướp đường cho thấm rồi cho lên bếp sên từng thứ một, đến khi thấm đường thì nhắc xuống.
Khi đường trong thố trái cây hỗn hợp tan hết, cho chút rượu rhum vào trộn đều cho có mùi thơm, trộn chung trái cây trong thố với hỗn hợp thơm và sơ ri đã sên chín, để tủ lạnh cho mát, khi ăn múc ra ly, rắc đá lên.


Leave a comment

Nem nướng Nha Trang, ram bắp

Nguyên liệu (cho hai người dùng):
200g thịt nạc dăm (hoặc thịt đùi tùy sở thích) dùng làm nem. Muối, tiêu, đường, nước mắm, dầu ăn. Bánh tráng mỏng. 100g thịt heo dùng làm tương chấm. Đậu phộng, ít bột nếp.
Cách làm:
Thịt nạc dăm xay rồi quết nhuyễn cho chặt tay, nêm tiêu và đường. Lụi thành từng lụi và nướng trên bếp than hồng đến khi vàng ươm. Làm chả nem bằng bánh tráng cuốn nhỏ chiên với dầu.
Thịt heo (dùng để làm tương chấm) băm nhuyễn, đậu phộng rang rồi xay nhuyễn, cho nước mắm, tiêu, muối, tất cả pha trong nồi nước, nấu khoảng ba giờ cho thịt mềm và đậu phộng nát thành tương. Để lửa nhỏ và thường xuyên quậy đều cho tương có màu sắc đẹp và không bị cháy. Trước đó, pha bột nếp đổ từ từ vào trong nồi tương để có độ sệt theo ý.

Cách làm tương chấm kiểu khác:
150g tôm bóc nõn rút chỉ, 150g thịt heo xay, 100g gan heo, 1/2 chén gạo nếp, 1/2 chén tương đậu nành, muối, đường, màu điều, hành tím băm, nước mắm
Gạo nếp ngâm qua đêm, nấu thành cháo đặc rồi xay nhuyễn
Phi màu điều và hành khô băm nhỏ cho thơm, cho tôm vào xào 5 phút, cho thịt heo xay và gan heo thái nhỏ vào xào chín, đổ vào máy xay sinh tố xay cho mịn rồi cho vào chảo trở lại. Cho bát tương vào chảo, lấy đũa khuấy đều, nêm muối nước mắm đường vừa ăn. Đun từ 10-20 phút cho hỗn hợp sệt lại thì tắt bếp. Múc ra chén, cho đậu phộng, ớt băm

Nem lụi, chả ram được cuốn với rau sống, dưa leo, chuối chát, khế.

* Ghi chú: Mình lười nướng than nên tống vào lò nướng cho tiện (cũng không cuốn lụi mà nắn nắn như cái xúc xích), vì tranh thủ làm việc này việc khác quên không ngó tới cái lò, kết quả mấy cái nem hơi bị quá lửa, ăn cũng ok nhưng hơi cứng 😦
Mẹo nướng nem bằng lò nướng (nếu không nướng bằng bếp than): cho nem vào lò nướng vừa chảy mỡ chín tới thì đem ra áp chảo nóng là ngon y như nướng than. (Mẹo này do 1 chị bạn chỉ cho mình)
Món nước chấm mình pha theo đúng công thức nhưng không hiểu sao màu không đỏ như trong hình người ta chụp mà nó cứ vàng vàng, tuy nhiên vị cũng ok.

Sẵn có dư bánh tráng và 1 cái bắp ngô Mỹ mình làm thêm món ram bắp. Món này cũng dễ làm cực kỳ. Mình copy trên mạng công thức và bài giới thiệu về món ram bắp này :
Ram bắp là món ăn của người Quảng Ngãi, cách làm rất đơn giản giống y như làm chả giò, nhân là bắp ngô. Bắp ở đây đủ loại, bắp nếp, bắp ta, bắp cao sản… Bắp nếp dùng làm ram là ngon hơn cả. Muốn làm ram phải lựa chọn những trái bắp còn non, hạt bắp đương ở thời kì ngậm “sữa” căng mọng. Bắp già, hạt cứng thì không thể làm được. Bắp để nguyên trái, dùng dao xước nhỏ từng luống hạt ,rồi cho vào cối giã quết thật nhỏ, thật nhuyễn, (hoặc bào mỏng) trộn tiêu, hành, tỏi… Bắc chảo lên, phi dầu sôi đều, bỏ bắp vào đảo nhanh tay, khi mùi thơm lan tỏa khắp không gian căn nhà là bắp vừa chín tới. Có nhiều cách làm nhân, cách đơn giản là trộn bắp đã bào với gia vị. Nếu ăn ngon, ăn sang thì trộn, đánh với trứng gà, thịt nạc, đậu, tôm tươi băm nhỏ (nấu chín), dùng bánh tráng mỏng hoặc dày gói từng chiếc xinh xinh bằng ngón tay cái. Hoặc có thể tự chế biến ra nhân với nhiều loại nguyên liệu khác nhau nhưng thành phần chính không thể thiếu vẫn là bắp, nếu không lại thành chả giò (nem rán) mất, mà thực ra mình thấy ram bắp cũng là 1 loại chả giò.
Gói ram như gói chả giò, chỉ khác là gói nhỏ và dài hơn. Sau đó chiên giòn giống như chiên chả giò.
Thưởng thức ram bắp, không thể bỏ qua bát nước chấm đủ gia vị và rau sống hái trong vườn còn tươi nguyên. Ram bắp vàng rộm, béo ngọt, tỏa mùi thơm phức. Ram bắp ngon và thú vị nhất khi vừa chiên xuống còn nóng hôi hổi, vừa thổi, vừa ăn.

Tới tiết mục show hàng thành phẩm: Mấy cái nem là mấy cái cục đỏ đỏ ở dưới, ram bắp là mấy cái to to như cuốn chả giò, còn bánh tráng không nhân chiên giòn ăn chung với nem là mấy cuốn chả giò nhỏ nhỏ.


Leave a comment

Bánh mì sanwitch cá ngừ

Nguyên liệu:
-cá ngừ hộp (loại ngâm dầu)
-1 cành rau cần tây (lấy thân ko lấy lá)-để tươi thái nhỏ. Rau này ăn sống thơm và dòn + 1 ít rau thìa là hoặc rau ngò tùy theo ý thích
-2 thìa mayonaise + tiêu đen xay nhỏ
-bánh mỳ (các loại). Ngon nhất là bỏ vào vỏ bánh Doner Kebap.
Cách làm:
-mở hộp cá chắt hết dầu. Cho ra tô trộn chung với rau cần và rau ngò băm nhỏ, tiêu và mayonaise. Nướng bánh qua cho thơm và nóng rồi cho nhân vào. Nếu thích thêm rau thì cho rau xà lách hoặc 1 lát cà chua tươi.


Leave a comment

Sườn non kho tộ, thịt kho tiêu

Sườn non kho tộ
Nguyên liệu:
– 400g sườn non
– 2 đến 3 tép tỏi, bóc vỏ, giã thô
– Đường, muối, nước mắm
– Dầu ăn, nồi đất để kho.
Cách làm:
-Sườn non rửa sạch với nước muối pha loãng. Sườn non bạn nên lựa thịt tươi, hồng và có phần sụn khi ăn sẽ giòn giòn. Đổ lại nước lạnh vào nồi, đun sôi sườn từ 15 đến 20 phút. Vớt sườn ra đĩa, giữ lại nước luộc sườn. Đun nóng ba thìa nhỏ đường và hai thìa canh nước lọc, đun sôi đến khi đường ngả màu cánh gián. Nhanh tay đổ tỏi vào phi thơm, dùng đũa đảo đều. Tiếp tục cho sườn non đã luộc sơ vào, nêm vào nồi khoảng hai thìa canh nước mắm, một thìa canh đường, một thìa nhỏ muối, đun sôi, thỉnh thoảng cho vào nồi ít nước luộc sườn. Đun sôi, đậy kín nắp nồi, thỉnh thoảng dùng đũa đảo đều, đun đến khi sườn mềm, thấm gia vị, bạn nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn. Tắt bếp, múc ra đĩa làm món mặn ăn với cơm.

Thịt kho tiêu
Nguyên liệu:
thịt nạc lưng 400gr
tỏi 4 tép
ớt sừng 1trái
tiêu sọ 1/2muỗng canh
Đường, hạt nêm
Nước mắm ngon
Ít ngò rí
Chế biến:
1. Ngò rí rửa sạch. Tỏi lột vỏ, ½ tỏi đập dập, ½ tỏi bằm nhỏ. Ớt sừng rửa sạch, xắt lát. Tiêu sọ cho vào cối xay nhuyễn. Thịt nạc lưng sơ chế sạch, rửa qua nước lạnh, để ráo, xắt miếng mỏng vừa ăn. Bắc nồi lên bếp cho vào 3 muỗng canh nước lạnh, 2 muỗng canh đường để lửa liu riu cho đến khi ngả vàng.
2. Ướp thịt nạc lưng với: ½ muỗng cà phê tiêu sọ xay nhuyễn, 1 muỗng cà phê bột nêm, 2 muỗng canh nước mắm ngon, tỏi bằm để khoảng 30 phút cho thịt thấm. Trút thịt vào nồi đã thắng đường để khoảng 10 phút cho tiếp nước lạnh vào để lửa liu riu, vớt bọt.
Mẹo vặt: Theo khẩu vị người miền Nam, bạn nên cho nhiều đường một chút, kho nhỏ lửa đến khi thịt hơi cạn nước, ngã màu vàng thì rắc tiêu vào và tắt lửa


Leave a comment

Cơm cam

Nguyên liệu:

– 300g gạo
– 1 trái cam vàng, vắt lấy nước
– 1 hộp cà chua bi
– 1 trái ớt chuông vàng, 1 trái ớt chuông xanh, 1 trái ớt chuông đỏ
– 10 con tôm
– Nửa củ hành tây
– Gia vị gồm: muối, tiêu, dầu olive.
Gạo vo sạch, để trong rổ khoảng 30 phút cho ráo nước. Hành tây, ớt chuông rửa sạch, cắt hạt lựu. Cà chua bi cắt đôi, bóp nhẹ cho ra hạt. Tôm rửa sạch, bóc vỏ, lấy chỉ đen ở lưng tôm. Cho chảo lên bếp, thêm dầu olive vào, chiên sơ cà chua bi 2 mặt rồi gắp ra đĩa để sẵn. Cũng trong chảo đó, cho 2 muỗng canh dầu olive vào, thêm tỏi băm và cho hành tây đã cắt hột lựu vào xào cho đến khi hành vàng. Cho ớt chuông đã cắt vào đảo sơ rồi thêm tôm vào. Cho gạo đã vo vào, đảo cho đến khi hột gạo săn lại thì cho nước cam vào, khuấy đều rồi châm thêm nước lạnh sao cho nước xâm xấp mặt gạo, nêm tí muối, tiêu, đảo cho muối hoàn tan vào cơm rồi đậy nắp, nấu trong khoảng 20 – 25 phút với lửa nhỏ. Sau 10 phút thì xếp cà chua lên bề mặt chảo cơm…đậy nắp lại chờ cho đến khi cạn nước và cơm chín hẳn. Khi cơm đã chín thì trộn đều, nêm lại gia vị cho vừa miệng, múc ra đĩa.


Leave a comment

Bò sốt vang

Nguyên liệu:
– 500gr thịt bò

– 4 củ khoai tây

– 3 củ cà rốt

– 1 củ hành tây, tỏi băm nhuyễn

– 50gr cần tây (chỉ lấy phần thân, không lấy lá), 4 quả cà chua, 4 tép tỏi

– 40gr bột mì, chút bơ

– 10ml rượu vang đỏ
Thái thịt bò thành từng miếng vừa ăn, trộn đều với muối hạt tiêu, rượu vang, bột mì rồi cho vào nồi xào qua với bơ trong khoảng 15′. Sau đó mới cho tỏi băm nhỏ + hành tây vào. Rửa sạch rồi thái nhỏ các loại rau củ. Cà chua cũng thái nhỏ nhưng cho vào chảo xào đến khi nát gần hết. Cho tất cả mọi thứ vào nồi thịt bò ở trên, đổ ngập nước rồi đun ở lửa nhỏ cho đến khi thịt bò chín mềm và nước cạn còn khoảng 2/3 là xong.


Leave a comment

Thịt kho nước dừa

Với khoảng 2kg thịt đùi (hoặc thịt ba rọi ngon) và 10 trứng vịt kho cùng, món thịt kho nước dừa có thể chuẩn bị để ăn trong vài ngày tết.

Thịt được rửa sạch và xắt thành từng miếng vuông đều khoảng 4cm và ướp khoảng 30 phút với năm muỗng canh nước mắm, hai muỗng canh đường và một muỗng nhỏ bột ngọt. Mùi thịt sẽ thơm hơn khi ướp với tỏi và hành củ băm nhuyễn (hai muỗng canh). Nhiều bà nội trợ còn cho cả ớt xay vào ướp cùng với thịt để tạo màu đỏ đẹp. Trứng vịt được luộc chín và bóc vỏ.

Lấy nước dừa từ hai trái dừa xiêm tươi và thêm nước lạnh (theo tỉ lệ 1:1) cùng với khoảng 5-6 muỗng canh nước mắm cho vào nồi vừa đủ (ngập thịt) và đun cho sôi, khi đó thịt đã có hương vị thơm hơn (sau khi ướp) được cho vào nồi nấu, hột vịt đã chuẩn bị sẵn được cho vào nồi sau một giờ. Nếu sử dụng toàn bộ nước nấu là nước dừa thì cả thịt và nước thịt kho đều có màu rất đậm, sẽ làm sản phẩm kém ngon và giảm độ hấp dẫn của món ăn này.

Bí quyết nấu món thịt kho nước dừa là ướp thịt thật kỹ, mỡ thịt trong và màu thịt đậm vừa, thịt không quá mềm. Ngoài ra, để nước thịt trong và đẹp, tốt nhất bạn không đậy nắp trong khi nấu. Có thể đun lửa lớn ban đầu để vớt sạch bọt, sau đó cho lửa nhỏ lại và nấu trong khoảng ba giờ, thịt sẽ mềm dần, nước thịt kho sẽ có màu vàng từ từ và trở nên đậm đà hơn. Khi thịt đã mềm, có thể nêm nếm lại một ít để vừa ăn. Màu vàng ánh của thịt và nước thịt cùng với màu đỏ của ớt sẽ làm món thịt kho nước dừa tăng thêm phần hấp dẫn. Khi ăn dọn ra đĩa, có thể cắt miếng thịt nhỏ lại cho vừa miệng, trứng được cắt làm đôi hoặc cắt thành bốn miếng.

7 bước cho món thịt kho tàu ngọn tuyệt (theo Sức Sống mới):

1. Nên chọn thịt đùi, miếng có cả nạc lẫn mỡ và da thì kho xong thịt sẽ mềm, trông đẹp mắt hơn. Tốt nhất là tỷ lệ mỡ và thịt bằng nhau nhưng nếu sợ ăn béo có thể mua miếng nhiều nạc hơn.
2. Ướp thịt ít nhất từ 30 phút đến 1 tiếng với nước mắm ngon, đường, ít muối và hạt nêm cho thịt thật thấm gia vị. Hành, tỏi giã nát giúp thịt thơm ngon hơn nhưng kho để dành ăn lâu thì đừng nên bỏ thêm hai nguyên liệu này. Phơi nắng phần thịt ướp, bó thịt cũng là mẹo được nhiều bà nội trợ áp dụng để thịt mềm mà không bị nát khi kho.
3. Tao thịt cho thật săn lại rồi mới đổ nước dừa vào ngập thịt. Ban đầu vặn lửa lớn cho sôi và vớt bỏ bọt. Sau đó, vặn lửa liu riu để thịt mềm dần và nước dừa chuyển thành màu vàng cánh gián. Để nước thịt trong và đẹp, không nên đậy nắp trong khi nấu.
4. Nếu nước dừa cạn thì châm thêm nước sôi vào. Đừng ham kho nhiều nước dừa, nồi thịt sẽ có màu quá sậm không đẹp.
5. Khi thịt hơi mềm cho trứng vịt luộc chín, lột vỏ vào kho chung. Trứng không nên bỏ vào sớm kho lâu sẽ bị chai cứng, đổi màu nâu không ngon
6. Nêm nếm lại cho vừa ăn, thường nước thịt đã có vị ngọt tự nhiên của nước dừa nên chỉ thêm một tí nước mắm là nồi thịt đã đậm đà.
7. Để món thịt kho tàu ăn suốt 3 ngày Tết mà vẫn ngon như mới thì bạn nên chia nồi thịt kho thành nhiều phần và cho vào ngăn đá. Hôm nào muốn ăn thì lấy từng hộp ra hâm nóng. Như vậy, thịt và trứng không bị cứng do hâm đi hâm lại quá nhiều lần.


Leave a comment

Gà hấp nước dừa

Ở siêu thị dạo này có bán gà thả vườn ngon tuyệt luôn, giá có 54.000 D / ký. Trong khi đó mình mua gà ta ngoài chợ cách đây 2 năm giá đã từ 90.000 – 120.000 D / ký rồi, mà ăn chả thấy ngon gì cả, có vẻ như giống gà ta thuần, chuyên ăn thóc và nuôi quanh quẩn ngoài vườn, khi luộc lên da giòn tan vàng ươm, thịt ngọt săn chắc, có lớp mỡ vàng đông thành mảng trong suốt dưới con gà (sau khi luộc) đã tuyệt chủng lâu rồi. Những con gà ta mình mua ở chợ dù giá đắt lòi ra và người bán cam kết như đinh đóng cột đây là gà ta da vàng, về nhà luộc lên ăn vẫn thấy thịt và da nhão nhão không săn chắc.

Từ khi có món gà thả vườn siêu thị, mình hay nấu các món liên quan đến gà vì nó rẻ, nhanh và sạch sẽ, ít tốn thời gian nấu nướng. Ví dụ như món gà hấp nước dừa hôm nay mình làm chỉ mất khoảng 10 phút chuẩn bị, còn lại tống vô lò nướng cho nó tự nướng, chỉ bấm đồng hồ thời gian, khi hết giờ lò sẽ tự tắt, mình chả phải ngó ngàng gì tới.

Mình mới nghĩ ra 1 cách làm cho món gà luộc của mình trở nên săn chắc hơn, da giòn hơn và ăn thịt ngon y như gà ta chính hiệu. Cách làm như sau:

Luộc gà bình thường trong nồi, khi gà vừa chín thì vớt ra cho ráo nước một chút, sau đó phết gia vị lên mình gà, rồi cho vô lò nướng, thời gian 10-15 phút, nhiệt độ 150 độ (tùy theo lò, lò nhà mình 150 là ok)
Làm cách này sau khi lấy gà ra khỏi lò, da gà săn lại, ăn giòn giòn, thịt gà săn chắc như gà ta mặc dù mình mua là gà thả vườn. Vấn đề là thời gian nướng phải thích hợp, nướng lâu quá gà sẽ khô và thịt bị dai, nướng chưa đủ thời gian da gà vẫn hơi nhão.

Nếu thích vị cay và mặn, sau khi luộc gà giã trái ớt (ớt xanh càng ngon nha) chung với muối hột, giã nhuyễn, nếu có lá chanh thì càng tốt, lá chanh thái chỉ nhỏ trộn chung với hỗn hợp muối ớt giã nhuyễn, dùng cọ phết đều hỗn hợp này lên mình gà (trong và ngoài) rồi cho vào khay lót giấy bạc, để ngăn giữa của lò, nướng thời gian 10 phút, nhiệt độ 150 độ. Nếu có lá chuối, gói gà trong lá chuối và cho vào lò nướng, thời gian 15-20 phút, khi lấy gà ra có mùi thơm của lá chuối rất hấp dẫn.

Nếu thích vị nước dừa, luộc gà trong nồi với nước dừa (có nêm chút muối, bột nêm), thấy da gà vừa chuyển sang màu vàng thì vớt ngay ra để gà ráo nước (lúc này gà chỉ chín khoảng 70%), phết gia vị (muối, chút bột nêm, hành tím băm nhuyễn) lên mình gà (trong và ngoài) để cho ngấm gia vị nửa tiếng thì cho vào khay nướng lót giấy bạc, để khay đựng gà vào rãnh giữa lò, rãnh dưới cùng để 1 khay khác, trong khay đó đổ nước dừa vào cho ngập, rồi vặn lò lên nướng gà cách thủy trong 15-20 phút, 150 độ. Hơi nước dừa bốc lên ngấm vào gà sẽ làm cho gà thơm ngon.

Sau khi lấy ra khỏi lò, da gà se se lại, vàng ươm và bóng đẹp, mặc dù không hề thoa chút bột nghệ nào cả. Thịt vô cùng săn chắc như gà ta chính hiệu luôn.

Vì mình chỉ nướng có 1 nửa con gà nên dùng khay nướng, nếu nướng nguyên 1 con thì dùng chức năng quay gà (trong lò nướng có chức năng này, có cả 1 cái que xiên để xiên gà vào, khi nướng cái xiên nó quay vòng vòng làm cho con gà được quay chín đều các mặt, nướng trên khay thì gà sẽ không vàng đều bằng)