miumiucooking

Nơi chia sẻ những thú vui nấu nướng

Địa đạo Vĩnh Mốc

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, sông Bến Hải là ranh giới quân sự tạm thời. Vĩnh Linh, một huyện của tỉnh Quảng Trị trở thành địa đầu của miền Bắc. Lịch sử đã chọn nơi đây thành điểm đối đầu quyết liệt nhất giữa hai thế lực chính nghĩa và phi nghĩa, giữa khát vọng thống nhất và dã tâm chia cắt.

Từ năm 1965, đế quốc Mỹ với mưu đồ xâm lược, bắt đầu mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá miền Bắc, trong đó Vĩnh Linh là mục tiêu hàng đầu, bởi đây không những là tiền đồn mà còn là địa bàn trực tiếp chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Một mảnh đất nhỏ bé chưa đầy 820km2 như Vĩnh Linh lại phải chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ của đế quốc Mỹ từ nhiều hướng dội vào. Từ năm 1965-1972, kẻ thù đã ném xuống nơi đây hơn nửa triệu tấn bom đạn các loại, tính bình quân mỗi người dân Vĩnh Linh phải gánh chịu 7 tấn bom đạn Mỹ.
Nhưng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”, nhân dân Vĩnh Linh đã kiên cường bất khuất, đã sáng tạo ra một công trình phòng tránh bom đạn tuyệt vời và độc đáo và có thể nói là vĩ đại mà bây giờ nó đã trở thành “huyền thoại” của thế kỷ XX.

Huyện Vĩnh Linh có 20 xã, trong đó có 3 xã miền núi, 3 xã đồng bằng không đào được địa đạo. Còn lại 14 xã và 1 thị trấn đã có 114 làng hầm địa đạo với độ nối dài là 40km. Trong đó có làng địa đạo Vĩnh Mốc, xã Vĩnh Thạch là công trình được bảo tồn nguyên vẹn, là công trình tiêu biểu cho hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh.

Vĩnh Mốc là một làng quê nằm trên khu đồi đất đỏ bazan, sát bờ biển, cách cửa Tùng (sông Bến Hải) 6km về phía bắc. Làng Vĩnh Mốc có 3 địa đạo chính được nối thông nhau thành một hệ thống liên hoàn, khép kín với quy mô lớn. Hệ thống đường hầm có tổng chiều dài 1.701m với 13 cửa ra vào (7 cửa thông ra biển, 6 cửa thông lên đồi). Ở hai bên đường hầm được khoét sâu và tạo ra những căn hộ đủ cho 2 đến 4 người sinh hoạt. Mặt bằng đường hầm được đào nghiêng từ 2 – 3o để dễ dàng thoát nước. Toàn bộ đường hầm được chia thành 3 tầng (tầng 1 cách mặt đất 8m, tầng 2 cách mặt đất 15m, tầng 3 cách mặt đất 23 đến 25m). Trong hệ thống đường hầm có hội trường (chứa được khoảng 60 người, dùng làm nơi hội họp, xem phim), bảng tin, nhà hộ sinh, 3 giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại… Đặc biệt, trong gần 10 năm ở dưới địa đạo, các làng hầm địa đạo Vĩnh Linh đã có 60 em bé được sinh ra. Riêng làng hầm địa đạo Vĩnh Mốc có 17 cháu bé cất tiếng khóc chào đời từ trong lòng đất.
Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại dưới lòng đất đã nói lên sự kỳ diệu của con người ở nơi đây. Hơn thế, họ không chỉ thụ động tránh bom đạn, bảo toàn mạng sống mà còn tổ chức đánh địch ngay trên quê hương, tập kết vận chuyển vũ khí, cấp cứu thương binh và vận chuyển hàng trăm chuyến hàng cảm tử cho đảo Cồn Cỏ (cách bờ 28km).
Nguồn: Internet

Đường vào địa đạo Vĩnh mốc rất nên thơ với những hàng tre xanh mát như thế này đây. Ở dưới lòng đất là địa đạo, đương nhiên, trong chiến tranh các lối vào đã được ngụy trang kín mít chẳng dễ gì mà phát hiện được.

Mình nghe hướng dẫn nói người ta đào cái địa đạo này chỉ bằng tay thôi nhé, đào cật lực trong hơn 20 tháng, thật kinh khủng. Mấy ông Tây trong đoàn cũng phải ồ lên kinh ngạc khi chạm tay vào địa đạo: Toàn là đá, cứng như thép và lạnh ngắt, thế mà người ta chỉ đào bằng tay và cuốc xẻng dùi đục gì đó. Nhìn cái chú trong ảnh mà xem, cánh tay của chú ấy săn chắc như lực sĩ ấy nhỉ, hihi, chắc là do chú đào hầm nhiều quá tay chú mới trở nên như thế 🙂

Ở trong địa đạo họ có gắn đèn dọc theo các lối đi, nhưng với trình chụp hình cùi bắp của mình thì không thể nào có nổi 1 tấm ảnh trong điều kiện thiếu ánh sáng như thế, chưa kể, đường hầm bé xíu xiu, vừa đi vừa cúi đầu khom lưng để khỏi va vào vách, vừa dò dẫm nhìn dưới chân để khỏi trượt chân té, túm lại là mình chả chụp được tấm nào trong đó. Đành phải chụp lại mấy tấm ảnh tư liệu treo trong bảo tàng địa đạo vậy.

Địa đạo có cửa thông ra biển nữa. Ra tới đây cảm giác thật là khoan khoái, mới cảm thấy phục những người đã từng sống và sinh hoạt trong địa đạo suốt mấy năm trời, thiếu ánh sáng, thiếu không khí, thiếu nước, chật hẹp gò bó, và nghe nói là mấy trăm người mà chỉ có 1 cái nhà vệ sinh duy nhất huhuhu thật kinh khủng quá đi. À bổ sung thêm là người dân chỉ xuống địa đạo để tránh bom thôi, không phải là quanh năm suốt tháng sống trong đó, khi hết bom thì họ trở lên mặt đất tiếp tục sinh hoạt, sản xuất.

2 thoughts on “Địa đạo Vĩnh Mốc

Leave a comment