miumiucooking

Nơi chia sẻ những thú vui nấu nướng


Leave a comment

Gà hấp nước mắm

Món này học được bên Webtretho, công thức của thành viên có nick là tete. Mình copy về làm thử vì thấy mọi người khen ngợi món này nhiều quá.
Nguyên liệu:
– Gà ta 1 con (to nhỏ tùy thích): làm sạch, để ráo.
– Nước mắm ngon (khoảng 2-3 thìa ăn phở).
– Cho gà (nguyên cả con) vào một cái âu to, xát đều nước mắm lên trên mình gà và trong bụng, thỉnh thoảng lấy thìa xúc mắm dưới đáy âu xát đều lên mình gà và trong bụng gà. Ướp khoảng 15-30 phút.
– Dốc hết nước mắm ướp ra khỏi gà. Cho gà vào một cái nồi to đậy nắp kín, nếu có nắp kính thì càng tốt (vì người làm lần đầu thường rất lo lắng sợ gà không chín nên có nắp kính sẽ an tâm hơn vì thỉnh thoảng còn ngó thấy con gà ) và bắc lên bếp, bật lửa to đến khi nghe thấy tiếng sôi hay hơi nước bay ra thì giảm nhỏ lửa liu riu. Canh đến khi nghe thấy trong nồi có tiếng xèo xèo (tương tự như tiếng xèo xèo khi cho 1 cái chảo có dính nước xào rau mặn lên bếp, khi bắt đầu khô thì có tiếng xèo xèo). Để thêm 2-3 phút là được.
– Khi ăn chặt ra hay cắt ra tương tự gà luộc.
– Món này gà không mất tí nước nào và ngấm mắm ăn hơi đậm nên ăn rất ngọt và ngon.
Một số lưu ý:
– Trong quá trình nấu tuyệt đối không được mở nắp.
– Khi nghe tiếng “xèo, xèo” chỉ để 2-3 phút thôi, nếu để lâu quá hoặc khi bắt đầu làm lại đổ thêm cả nước mắm thừa khi ướp vào sẽ làm gà nhừ bung mất ngon đấy nhé (những người làm lần đầu thường sợ gà không chín nên hay để thêm 5-10 phút hoặc sợ món này sẽ bị cháy lại đổ thêm tất cả chỗ mắm ướp gà thừa vào cho chắc )
– Món này áp dụng khi làm với các loại chim như bồ câu, gà đồng, cuốc bèo, gà nước, cu gáy,.v.v… thậm chí là chim

Mình làm cũng chưa đúng theo công thức lắm vì nhà mình nấu bếp từ nên chỉnh chế độ lửa riu riu rất khó, chỉnh chế độ hâm sữa thì nồi nó chỉ nóng vừa vừa không đủ làm chín thịt, chỉnh sang chế độ khác thì nồi bốc khói mịt mù như sắp sửa cháy bếp đến nơi. Người ta dặn tuyệt đối không mở nắp mà mình cứ nhấp nhổm mở vung mấy lần vì sốt ruột. Chờ mãi chờ mãi chả thấy nó kêu xèo xèo như trong công thức, đến khi chỉnh lửa lớn hơn tự dưng nó xì xèo không ngừng. Đã thế nồi bếp từ đáy rất mỏng, nếu cho gà vào nấu lâu như thế, lại không có nước, đảm bảo phần thịt dính vào đáy nồi sẽ bị cháy, nên mình dùng chảo không dính. Chảo không dính thì chỉ hấp được 1/2 con gà, không đủ chỗ để hấp nguyên con, chưa kể nó không sâu lòng nên hơi nước bốc lên không đủ ngập thân trên con gà. Túm lại, món ăn có gì không ổn là do cái bếp từ, chứ mình thì theo đúng công thức.

Đây là 1/2 con gà đang hấp trong chảo

gahapmam2

Đây là con gà hấp xong, chặt ra và lên bàn

gahapmam

Ăn cũng ngon phết, mềm, thơm, nhưng có vẻ vẫn chưa đúng kỹ thuật nấu lắm. Lần sau mình thử dùng bếp gas xem sao.
Ở đây có 1 cái Video dạy làm gà hấp nước mắm, cách làm có vẻ hơi khác cách trên một chút, hôm nào mình phải thử mới được.


Leave a comment

Bánh hẹ, bánh củ cải

Bánh hẹ làm không khó chỉ hơi tốn công để nhồi bột và bắt từng chiếc bánh nho nhỏ xinh xinh rồi đem hấp. Về phần bột có người dùng bột gạo, có người dùng bột há cảo, dùng bột há cảo chiếc bánh ăn dai dai ngon hơn dùng bột gạo vì bột gạo chiếc bánh hơi bở. Bánh hẹ hấp chín đem chiên giòn ăn kèm với nước mắm tỏi ớt chua ngọt sẽ rất tuyệt.

Nguyên liệu:
500g bột há cảo
1kg hẹ
Lá chuối một ít
Muối tiêu
Nước mắm tỏi ớt
Cách làm:
Hẹ nhặt rửa sạch vẩy cho thiệt ráo, rồi đem xắt nhỏ (như xắt hành hoa) trộn vô hẹ một tí xíu muối và dầu ăn.
Bột há cảo bạn nên mua chừng 600g, nhưng chỉ dùng 1/2 kg còn lại một ít để làm bột áo.
Cho vào nồi 2 chén rưỡi nước, nấu cho thật sôi rồi trút bột vào. Dùng đũa khuấy cho bột đều, khi cho bột vào khuấy chỉ vặn lửa nhỏ.
Khuấy nhanh tay, nếu thấy bột quá khô thì cho một ít nước vào. Lúc này bột đã chín được 6-7 phần tắt lửa cho nồi bột ra ngoài thêm chừng 2 muỗng sup dầu và 1/2 muỗng cà phê muối vào. Để bột hơi nguội rồi nhồi bột cho dẻo mịn, nếu bột quá ướt thì cho thêm bột vào, khi bột đã được nhồi mịn cho bột nghỉ khoảng 15 phút sau đó mang bột ra nhồi sơ lại.
Chia bột ra từng phần, mỗi phần bột chừng cỡ quả trứng gà là được. Cán mỏng rồi cho hẹ vào giữa, túm lại phần chóp, về phần bột trên chóp nên ngắt bỏ bớt bột thì chiếc bánh sẽ không bị dày ở phần này (nếu bột quá nhiều ở phần chóp ăn không ngon) rồi dùng tay ém nhẹ chiếc bánh cho dẹp, làm được chừng mươi cái là mang bánh đi hấp được.
Lót lá chuối dưới ngăn xửng hấp, phết lên lá một lớp dầu rồi sắp bánh lên (như vậy bánh sẻ không bị dính).
Hấp bánh với lửa to, hấp chừng 10 phút là bánh chín, sau đó cho bánh ra dĩa. Khi sắp bánh ra dĩa nên thoa lên mặt bánh một ít dầu để bánh không bị dính, bánh hơi nguội mang chiên giòn ăn với nước mắm chanh tỏi ớt rất ngon. (pha chua ngọt). Còn 1 kiểu nước chấm khác có thể ăn với bánh hẹ là nước chấm dùg cho món bột chiên: pha hỗn hợp nước chấm gồm xì dầu, dấm đỏ, đường và một ít ớt sa tế vào bát, liều lượng tùy theo sở thích của bạn. (nếm thấy vừa miệng là ổn)

Bột bánh há cảo mua ở siêu thị, nếu không mua được mình tự làm bột há cảo, công thức như sau:
– 50gr bột nếp.
– 200gr bột gạo.
– 100 gr bột năng.
– 350gr nước lạnh.
– Để riêng một ít bột nếp dùng để láng khay và nhồi thêm.
– Dầu ăn, muối. Lá thì là. Khuôn tròn xắn bột đường kính 8cm. Cây cán bột, xẻng nhồi bột.
đong nước vô soong nhỏ nấu sôi lên, đổ vào thau bột có dầu và muối. Rồi dùng cái đũa cả bằng gỗ trộn bột lên thật nhanh tay cho đều khoảng 1-2 phút. Khi bột bớt nóng rồi thì dùng tay nhồi cho bột đều và dẻo. Rồi lấy plastic wrap bọc nguyên cục bột lại cho giữ ấm.
Bắt đầu ngắt từng cục bột nhỏ ra cán càng mỏng càng tốt, lấy cái ly miệng tròn ấn xuống miếng bột. Rồi lấy nhân bỏ vô túm bột lại cho kín. Xếp vô xửng đem hấp.
Muốn bánh có màu xanh đẹp thì xay lá hẹ vắt lấy nước cốt nhồi chung với bột.

Có cách làm bột bánh hẹ khác không dùng bột nếp như sau:
300g bột gạo, 50g bột năng, muối, nước sôi nóng già.
Trộn lẫn bột năng, bột gạo, nửa thìa nhỏ muối vào âu sạch. châm từ từ nước sôi nóng già vào âu bột, dùng muôi trộn đều, sau đó dùng tay nhồi đến khi hỗn hợp bột thành hỗn hợp dẻo, mịn. Bạn có thể điều chỉnh lượng nước sôi cho phù hợp tùy theo độ hút nước của mỗi loại bột khác nhau. Dùng tay vê dài viên bột, ngắt thành từng viên bột đều nhau, dùng đồ cán cán mỏng viên bột, dùng thìa múc một ít phần nhân thịt đặt vào giữa miếng bột. Dùng tay vo tròn lại, dùng mu bàn tay ấn nhẹ miếng bột xuống. Thế là xong 1 cái bánh hẹ có hình tròn dẹt

Tạo hình bánh hẹ: Ngoài tạo hình tròn, tròn dẹt, có thể tạo hình như bánh há cảo (bán nguyệt, xếp ly, xếp tam giác, xếp nơ..v.v.v..). Thực ra đây cũng là bánh há cảo mà thôi (vì vỏ bánh há cảo mà).
Nhân bánh: Ngoài hẹ ra người ta còn biến tấu, cho vào thêm nào là thịt nạc, tôm….rốt cuộc nó lại trở thành bánh há cảo có nhân hẹ:)

banhhe

Bánh củ cải
Nguyên liệu:
– 500g bột gạo tẻ
– 1 lít nước
– 300g nước củ cải
– 700g củ cải nạo
– 3 muỗng dầu ăn
– 5 nhánh tỏi băm nhuyễn
– 50g tôm khô
– 1/2 thìa cà phê hạt tiêu
– 40g đường
– 20g muối
– 75g bột ngô

Cách làm:
– Ngâm tôm khô vào nước khoảng 30 phút. Sau đó băm nhuyễn.
– Bào củ cải nhỏ, sau đó cho qua rá lọc, vắt lấy nước cốt.
– Hòa nước củ cải và nước với nhau.
– Cho bột gạo vào, dùng tay hoặc thìa khuấy cho bột mịn.
– Đun nóng dầu, phi thơm tỏi với lửa vừa, cho tôm vào xào.
– Thêm củ cải nạo vào đảo đều.
– Nêm đường, muối và hạt tiêu, đảo đều cho tất cả hòa quyện với nhau.
– Đổ hỗn hợp nước bột gạo vào, khuấy nhẹ tay.
– Thêm bột ngô, tiếp tục khuấy đều.
– Nấu cho tới khi hỗn hợp dày đặc.
– Chuẩn bị một chiếc khay vuông có kích thước 20×20 và lót một tấm lá chuối có quết dầu ăn lên trên.
– Đổ hỗn hợp củ cải vào khay.
– Cho khay bánh củ cải vào trong nồi hấp khoảng 30 phút.
– Đợi khi bánh nguội, để vào trong tủ lạnh.
– Sau khi bánh đông lại, mang ra ngoài, cắt thành từng miếng hình chữ nhật, rán vàng.
Món bánh củ cải mình làm hôm nay hơi khác cách làm trên 1 chút.
Bột: mình chỉ làm bột gạo không có bột bắp, nếu muốn dai hơn 1 chút thì dùng cả bột gạo + bột năng với tỷ lệ: Bột gạo 10 thì bột năng 1/10 hoặc 1/20 của bột gạo.
Nhân: Vì mình không có tôm khô nên thay bằng lá hẹ cắt khúc (phần hẹ thừa từ món bánh hẹ hôm qua). Củ cải bào sợi, cho nước vào nồi củ cải, bắc lên bếp nấu khoảng 10 phút đến khi củ cải mềm thì nhắc xuống để nguội. Trộn bột gạo + đường+ muối+ lá hẹ cắt khúc vào hỗn hợp nước củ cải này (tỷ lệ: 260g bột gạo thì hổn hợp nước + củ cải – cả nước cả cái- khoảng 700g là vừa). Khuấy cho tan bột, đổ hỗn hợp bột vào khuôn có thoa dầu, rồi cho lên xửng hấp khoảng 40 phút, đến khi bột chín thì nhắc ra để nguội, cắt từng miếng rồi chiên vàng.

Nước chấm bánh củ cải: pha nước tương theo kiểu bánh bột chiên, hoặc ăn với nước mắm tỏi ớt chua ngọt, hoặc nước tương không pha.
Ngoài ra có thể cắt bánh củ cải thành từng miếng nhỏ như bột chiên, chiên với trứng + hành lá như bột chiên vậy.
Pha nước chấm bột chiên: 150gr đường + 500gr nước+ 100gr giấm đỏ+150gr nước tương

banhcucai1


Leave a comment

Gà nướng muối ớt

Món này tuy nướng nhưng hình thức lại khá giống gà hấp, bởi vì phải luộc gà sơ qua sau đó mới đem nướng trong lò khoảng 20 phút. Làm theo cách này da gà không giòn, chỉ se se lại như gà hấp hay gà luộc, thịt mềm.
Cách làm:
Gà rửa sạch, luộc đến khi da gà vừa chuyển màu thì vớt ra liền, nước luộc gà bỏ mấy lát hành tím + bột nêm cho thơm.
Vớt gà ra để cho ráo nước thì phết dầu mè + bột nghệ lên mình gà để khi nướng có màu vàng
Muối hột + ớt xanh(nếu có ớt xanh càng tốt, không thì dùng ớt hiểm trái), giã nhuyễn. Lá chanh (nếu có) thái sợi nhuyễn, dùng cọ phết đều hỗn hợp muối, ớt, lá chanh lên mình (cả trong và ngoài con gà), để 15 phút tới nửa tiếng cho thấm. Xong cho vào lò nướng khoảng 20 phút thì lấy ra (nhiệt độ tùy theo lò, lò nhà mình thì nướng ở 180 độ , khoảng 20 phút thấy da gà se se mặt và vàng rộm là lấy ra được rồi). Mình không có lá chanh nên rắc vài sợi hành lá thái nhuyễn lên trang trí.
Chặt miếng vừa ăn và xếp ra đĩa, trình bày hay trang trí tùy thích.
Đây là 1 món nướng cực kỳ nhanh và đơn giản. Món này ăn kèm với rau răm, thịt gà đã ướp muối vừa miệng nên không cần chấm gì hết. Nếu ướp gà bị nhạt thì làm chén muối tiêu chanh. Nếu thích thì lấy vài miếng thịt gà đã chặt hay xé miếng, trộn với hành tây rau răm và chanh, muối, tiêu, đường để làm thêm đĩa gà xé phay nhỏ.

gahapmuoiot3

gahapmuoiot1


Leave a comment

Trứng hấp vân

Món này có thể dùng như 1 món khai vị hoặc làm món ăn cho trẻ con rất phù hợp.

Nguyên liệu: (cho 04 người)
– Trứng vịt: 2 quả
– Giò sống từ thịt heo hay tôm, thịt gà: 200g
– Nấm hương, mộc nhĩ, cà rốt: 5g
– Mỡ: 50 g
– Rau mùi: 1 mớ
– Nước mắm, bột nêm, hạt tiêu: vừa đủ
– Cà rốt, cà chua, dưa chuột tỉa hoa
Các loại phụ kiện:
– Giấy trắng hoặc lá chuối
– Dây buộc
Cách làm:
Đập trứng ra bát, tách riêng lòng đỏ, lòng trắng, đánh tan.
Bắc chảo lên bếp, xoa một lớp mỡ mỏng cho khỏi dính, đổ trứng vào tráng mỏng vừa (tráng riêng lòng đỏ, lòng trắng).- Giò sống trộn nước mắm, hạt tiêu, bột nêm.
– Nấm hương ngâm nở, rửa sạch cắt bỏ chân, để ráo nước. Cánh nấm dầy thì lạng mỏng.
– Mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch, cánh nhỏ để nguyên, cánh to cắt làm 2 hoặc 3 phần. Cà rốt thái sợi nhỏ
– Trải lá trứng lên thớt hoặc khay, dàn đều một lớp giò mỏng, xếp nấm hương mộc nhĩ cà rốt lên trên, phết tiếp một chút giò sống lên nấm hương, mộc nhĩ cà rốt. Có thể cho thêm rau gia vị (rau mùi, thơm) tùy với khẩu vị. Lá trứng thứ hai làm tương tự. Đặt hai lá trứng so le nhau rồi cuộn tròn lại.Dùng giấy trắng hoặc lá chuối cuốn bên ngoài và dùng dây buộc xung quanh. Đem hấp khoảng 20 phút.
– Trứng chín lấy ra để nguội, tháo bỏ dây và lá, thái khoanh dầy khoảng 0,8 – 1cm.
* Trang trí: Bày vào đĩa có rau mùi, các loại hoa được tỉa từ cà chua, cà rốt, dưa chuột.
Yêu cầu: Cuộn trứng chắc tay, không bị long khi thái.

* Nhân có thể biến tấu theo ý thích, ví dụ có thể cho thêm hạt đậu boa cho có màu xanh đẹp mắt, rong biển, jambon, lạp xưởng, xúc xích, thịt hun khói…. thái hạt lựu
Khi hấp có thể lót trong đáy vỉ hấp 1 miếng giấy bạc (loại giấy bạc sử dụng trong lò nướng), hay lá chuối thì càng tốt hơn, rồi đặt cuộn trứng lên trên (cuộn trứng không cần bọc gì hết) và hấp trong 20 phút.

trunghapvan


Leave a comment

Chả lụa lá dứa

Dạo này mình thích chơi với bếp núc hơi bị nhiều, thứ gì cũng muốn làm thử qua cho biết. Gần Tết nên mình đang hứng thú với mấy món Tết như chả lụa, giò thủ, mứt các loại. Hôm qua làm thử giò thủ và chả lụa (giò thủ đang để tủ lạnh cho cứng, mai up hình sau). Chợ gần nhà mình không thấy bán lá chuối để gói chả lụa, mà mình đang lên cơn thèm làm chả lụa, thế là mình mua thử lá dứa về làm xem sao, chế biến 1 chút đi cho khác người ta. Lúc gói chả cũng hơi cực vì lá dứa nhỏ nên phải xếp nhiều lá rồi mới gói được, gói xong hở chỗ này chỗ kia, lại phải lót thêm lá, chỗ nào hở trám chỗ đó, xong lấy dây nylon cuộn lại, Nhìn mấy gói chả lụa xù xì nhưng bé bé xinh xinh cũng hay phết. Lúc hấp lên thì thơm lừng cả bếp. Hấp xong bày ra đĩa chụp hình, rồi cắt 1 cái ăn thử. Kết quả là chả lụa vẫn còn hơi bở và thớ chưa dai mịn vì khâu xay thịt và quết thịt chắc chưa kỹ lắm, nhưng mùi vị thì rất thơm và đúng là vị của chả lụa, đặc biệt là chả lụa của mình ngoài mùi thơm của chả còn có mùi thơm của lá dứa. Nói túm lại, chất lượng đạt khoảng 70% yêu cầu, bữa nào rảnh mình làm lại khâu xay thịt và quết thịt cho kỹ hơn thì chắc chả sẽ dai hơn, còn mùi vị thì ok lắm rồi. Hình thức thì đương nhiên không thể đẹp như gói lá chuối, vì lá dứa nhỏ xíu, phải xếp nhiều lá chồng lên nhau, cho nhân vào giữa, cuộn lại theo chiều dọc, rồi lại chêm thêm nhiều lá khác cuộn theo chiều ngang, chỗ nào bị hở dùng lá khác trám lại, cột lại bằng dây nylon. Cuốn chả lụa lá dứa vừa lâu vừa cực mà hình thức không thể mịn màng như là chuối, nhưng có ưu điểm là chả lụa có vị thơm lá dứa. Hôm nay mình làm thử với 1 lạng rưỡi thịt nạc xay thôi đó, ra lò khoảng 5 cái chả nhỏ xinh. Nói chung mua ở ngoài người ta bán sẵn vẫn kinh tế hơn, nhưng lâu lâu rảnh tự làm ở nhà cũng là 1 thú vui.
Cách làm:
Nguyên liệu: (cho 1 cây giò 1kg)
– 1kg thịt nạc mông (hoặc thịt 95% nạc) – nếu thịt nạc hoàn toàn, giò sẽ hơi khô
– 30g bột năng
– 5g bột nở (bột nổi)
– 10g đường
– 40ml nước mắm loại thật ngon
– 1 chút muối
– 50ml nước lạnh
Lá chuối và dây nylon (lạt) để gói
Cách làm: Thịt thái nhỏ. Ướp với tất cả nguyên liệu khác (trừ nước). Cho vào ngăn đá khoảng 2h. Dùng máy xay xay thịt một lượt, nhuyễn hơn thịt xay thường một chút. Gói lại cho vào ngăn đá thêm 2h nữa.
Lần 2, lấy thịt ra xay, vừa xay vừa thêm chút nước. Hỗn hợp thịt lúc này trở thành “giò sống”, rất mịn. Để giò dai, cần phải có thêm công đoạn “quết”. Thông thường làm giò truyền thống giã bằng chày và cối nhưng vì xay bằng máy xay thịt, độ dai kém. Do vậy, có thể dùng đến sự phụ trợ của máy trộn bột. Cho hỗn hợp giò sống vào máy, bật máy tốc độ 1-2 khoảng 5-7′. Dừng lại và lấy muỗng vét hết số thịt bám trên thành cối, tiếp tục quết tiếp 5-7′ nữa. Tùy theo chất lượng thịt (thịt mới, còn tươi hay thịt đã đóng gói bán ngoài siêu thị), thời gian quết sẽ kéo dài hay ngắn tùy theo bạn.
Lá chuối rửa sạch, lau khô. Xếp lá theo hình chữ nhật dài. Đặt giò sống lên một mép lá. Bí kíp gói giò tròn không gì khó cả, chỉ cần đeo găng tay nylon giò sẽ không dính vào nylon. Dùng tay dàn đều, ém chặt giò sống. Gập lá gói tròn hình ống dài. Lấy lạt (hoặc dây nylon) buộc chặt.
Luộc khoảng 40-50′. Giò chín, khi thả xuống đất có độ đàn hồi. Hoặc đem hấp, cứ 10 phút mở nắp cho hơi nước không đọng lại và rơi vào chả.

Đây là chả lụa lá dứa của mình

chalua1

chalua2

chalua3


Leave a comment

Bánh mì hấp

Nguyên liệu :
– Bánh mì
– Thịt xay (dùng thịt nạc dăm heo xay ra)
– Củ sắn (củ đậu)
– Cà rốt
– Mỡ hành
– Rau sống, xà lách
Thực hiện :
– Thịt heo xay ướp với chút củ hành tím và nước mắm
– Củ sắn và cà rốt xắt sợi rồi băm nhuyễn
– Bắc chảo dầu nóng, cho thịt heo vào xào rồi cho tiếp củ sắn, cà rốt vào xào chín luôn.
– Bánh mì xắt lát hơi dày dày
– Bắc một nồi hấp, trét nhân thịt xào lên từng lát bánh mì rồi cho vào nồi hấp, hấp đến khi bánh mềm mềm là được. Xếp bánh mì ra đĩa, cho nhân thịt xào với củ sắn và cà rốt lên , rưới mỡ hành lên mặt.
– Pha nước mắm tỏi ớt chua ngọt vừa ăn để ăn với bánh mì.
Ngoài nhân thịt và củ sắn cà rốt, có thể làm nhân bì heo (bì heo + thịt heo thái sợi trộn thính)

banhmihap


Leave a comment

Thịt bằm chưng hột vịt muối

Nguyên liệu:
-200g thịt nạc vai băm
-3 lòng trắng trứng muối
-6 lòng đỏ trứng muối
-Tiêu hạt,đường,hành hương{hành khô),hành lá
Cách làm:
1.Trộn lẫn thịt với 3 trứng muối cả lòng trắng và đỏ.
2.Hành hương băm nhuyễn trộn chung với thịt,trứng
3.Rắc tiêu hạt và thêm 1/2 thìa đường
4.Đổ vào đĩa sâu lòng hay khuôn đã thoa dầu.3 lòng đỏ trứng còn lại cắt làm đôi rồi đặt lên trên thịt.
5.Đun nước sôi rồi cho đĩa thịt vào nồi hấp khoảng 15 phút lửa vừa.
6.Rắc hành lá thái nhỏ lên trên. Tắt bếp rồi nhấc thịt ra. Dùng nóng với cơm trắng.

Mẹo làm cho trứng hấp có bề mặt màu đỏ đẹp: Để thử xem chín hay chưa thì lấy đầu đũa đâm nhẹ vô phần trứng, nếu không có nước chảy ra là đã chín. Lúc đó mới quét phần lòng đỏ trứng (lòng đỏ trứng gà hay trứng vịt bình thường cũng được đã đánh tan với dầu ăn, thoa hỗn hợp lòng đỏ này lên trên mặt tô trứng hấp cho vàng đẹp. Nhớ là phần này không đậy nắp như vậy mặt trứng mới đẹp được.)
Khi hấp thỉnh thoảng nhớ mở nắp nồi, thấm hơi nước để hơi nước không rơi xuống mặt làm ướt mặt trứng


Leave a comment

Súp nấm cà rốt, gà hấp sốt gừng

Súp là món ăn ngon bổ và không cầu kỳ lắm trong khâu chế biến, là món ăn sáng, món khai vị trong các bữa tiệc. Hôm nọ làm 1 nồi súp nhỏ nhỏ chỉ có nước dùng gà, cà rốt và nấm hương. Thế mà ăn sạch nhách hết 3 chén luôn. Bữa trưa của mình đấy.
Cà rốt gọt vỏ, thái hạt lựu, trụn qua nước sôi rồi vớt ra cho qua nước lạnh để có độ giòn
Nấm đông cô hay nấm hương ngâm cho nở, rửa sạch, cắt bỏ cuống rồi thái sợi hay thái hạt lựu
Ninh xương gà cho ngọt nước, trong nồi nước dùng có thể cho ít boi rô, củ hành tây gọt vỏ cắt múi cau, rễ ngò rửa sạch để cho ngọt nước, không có cũng không sao.
Vớt xương gà ra, lọc nước trong, cho nấm và cà rốt (đã trụn) vào nấu mềm (đừng nấu mềm quá, chỉ vừa chín tới cho có độ giòn), nêm muối (hoặc nước mắm) + đường vào nồi súp, nếm thấy vừa miệng là ok.(đường phèn càng tốt, súp sẽ có vị ngọt thanh).
Bột bắp hay bột năng hòa với nước lạnh cho tan. Sau khi nêm gia vị, đợi nước sôi bùng lên thì rót hỗn hợp bột bắp vào nồi, dùng một tay rót, một tay dùng đũa đảo đều cho súp trong mượt là được. Đợi nước sôi bùng thêm lần nữa thì rót trứng (đã đánh tan trước ở ngoài) vào nồi súp.
* Chú ý kỹ thuật rót trứng: Dùng đầu dao nhọn (loại dao tỉa hoa) hoặc đầu nhọn đũa bắc ngang bát trứng, nghiêng bát cho trứng chảy tràn qua dao hoặc đũa chảy vào nồi dùng như một sợi chỉ nhỏ, tay kia khuấy đều, bếp lửa vặn nhỏ, trứng sẽ nổi vân hoa

Món gà hấp sốt gừng hình như xuất xứ từ Trung Quốc. Hồi mình ăn ở bên đó rất thích cái món nước chấm sốt gừng, về cứ mày mò mãi cách chế biến. Cuối cùng vớ được công thức trên mạng, có thể hơi khác với nguyên bản 1 chút nhưng hôm nay mình hấp thử nửa con gà trong tủ lạnh thấy thơm ngon hấp dẫn lắm. Công thức thế này nè:
GÀ HẤP SỐT GỪNG
Nguyên liệu:
1/2 con gà thả vườn, 2 thìa súp gừng băm, 1 thìa súp hành tím băm, 2 thìa cà phê hạt nêm, 2 thìa súp dầu hào, 1/2 thìa cà phê tiêu, 1 thìa súp dầu ăn.
Thực hiện:
1. Gà rửa sạch, chặt làm tư, cho hành tím băm, hạt nêm, tiêu vào đảo đều, cho thêm dầu ăn vào xóc đều, để khoảng 15 phút cho thấm gia vị.
2. Đun nóng dầu ăn, cho gừng vào xào 2 phút cho thơm, nêm ít hạt nêm, dầu hào, tiêu và thêm 2 thìa súp nước lạnh vào, đun sôi.
3. Xếp gà vào khay hấp, rưới nước xốt gừng vào, đem hấp khoảng 15 phút là gà vừa chín.
4. Dọn gà hấp chín ra đĩa, trang trí với khoai lang chiên, thưởng thức nóng. Nếu nhạt, chấm kèm xốt tương gừng.Nên chọn gà thả vườn thịt sẽ chắc và thơm hơn gà nuôi công nghiệp. Có thể trụng sơ gà qua nước sôi, sau đó mới chặt miếng, ướp và đem hấp, gà nhanh chín hơn.