miumiucooking

Nơi chia sẻ những thú vui nấu nướng


Leave a comment

Dưa cải chua

Sau đợt muối cà thành công vừa rồi mình thùa thắng xông lên làm thêm món dưa cải chua, công thức ở đây mình ưng ý nhất vì nó làm cho dưa lên màu vàng đẹp (mình có điều chỉnh khâu rửa và phơi cải 1 chút theo ý mình)

  • 1 ký cải xanh, ra chợ hỏi loại cải lá to để muối dưa
  • 1/2 lít nước vo gạo
  • Nước
  • Muối hột, đường
  • Hành củ, hành lá (số lượng tùy thích)

(Có thể cho thêm ớt, tỏi vào muối nếu bạn thích ăn cay và thích mùi tỏi)

Cách làm:

  • Sơ chế:

– Hành lá rửa sạch, cắt lấy phần đầu hành (chỉ dùng phần này). Hoặc dùng luôn phần lá cũng được nhưng theo mình thì nên cất tủ lạnh làm món khác ngon hơn.
– Hành củ chẻ múi ra làm đôi
– Cải mua về đem cắt gốc, tách từng lá rồi rửa sạch dưới vòi nước, (cắt bỏ những phần lá bị già hay bị héo vàng, bị dập, bị sâu), sau đó đem trải lá cải và dầu hành ra phơi ngoài trời một tí cho hơi héo. Nếu hôm nào không có nắng thì trải đều lá cải ra rổ, để dưới quạt cho cải mau héo và ráo nước, lâu lâu trở cho những lá nằm dưới lên trên để cho cải ráo nước đều, nếu có lá nào chưa ráo hết nước khi ngâm sẽ bị thối nhũn

– Khi cải hơi héo và thật khô ráo thì cắt khúc vừa ăn. Hôm mình làm là 7 giờ tối (kiểu lúc đó hứng lên là làm luôn không cần chờ đến hôm sau), mình chỉ rửa cải và trải ra phơi dưới quạt khoảng 1-2 tiếng gì đó là nó khô ráo hoàn toàn và hơi héo héo thì mình mang cắt khúc và nấu nước muối đường đem ngâm luôn, bốn ngày sau mới mang ra ăn mà cải vẫn giòn rụm, không dai, không nhũn. Vì vậy bạn cứ yên tâm muối dưa vào những ngày không nắng.

– Hũ muối dưa nên tráng qua bằng nước sôi và phải phơi cho khô ráo hoàn toàn, mang hũ phơi nắng thì càng tốt hơn. Nếu muối dưa bằng hũ nhựa thì tráng bằng nước sôi để nguội vì nếu tráng bằng nước đang nóng nhựa sẽ chảy. Tốt hơn, nên muối dưa bằng lọ thủy tinh hay sành sứ, không nên muối dưa bằng hũ nhựa vì dưa sẽ bị xỉn màu và nhựa không tốt cho sức khỏe.

  • Pha nước muối dưa:

– Đun sôi 1/2 lít nước , pha thêm với 2,5 muỗng canh muối hột, 1 muỗng canh đường, khuấy cho tan, để nguội bớt đến khi nước chỉ còn ấm ấm thì đổ nước vo gạo vào là coi như ta đã có hỗn hợp nước muối dưa. ( Nước vo gạo mình lấy nước thứ 3, không lấy 2 nước đầu vì nó còn nồng mùi gạo và nước rất đục, tới nước thứ 3 thì hết mùi nồng và màu nước cũng trong hơn)

  • Muối dưa:

– Cho cải, hành củ chẻ đôi và hành cọng vào lọ, xếp theo lớp cho dễ gắp: 1 lớp dưa, 1 lớp hành…Ép cho chặt xuống rồi mới đổ hỗn hợp nước muối dưa lên trên cho ngập dưa. Có thể dùng cái dĩa nhỏ bỏ vào lọ để chặn không cho dưa nổi lên trên, hoặc bỏ nước vô bịch nilon cột lại rồi thả vào đè dưa xuống.

– Sắp xếp chèn ép đâu vào đó rồi thì đậy nắp lại. Để hũ dưa vào nơi khô thoáng khoảng 3-4 ngày là ăn được. Nếu muốn nhanh chua thì mỗi ngày đem hũ dưa ra phơi nắng vài tiếng hoặc để hũ dưa gần bếp, hơi nóng của bếp cũng làm dưa mau chua.

– Dưa thành phẩm sẽ có màu hơi vàng óng nhờ muối bằng nước vo gạo. Dưa ngon là dưa cọng giòn (nhờ đường), đủ độ dai (nhờ phơi héo), không quá chua, cũng không mặn quá không tốt cho sức khỏe.

*** Nước dưa cũ sau khi ăn hết thì chừa lại một ít để cho vào lọ muối dưa mới, làm vậy sẽ muối nhanh chua hơn.

caichua3.JPG

 


Leave a comment

Cà pháo muối

Có mấy ngày được rảnh rỗi mình lại bày trò ra chơi cho vui, lần này là đi muối cà. Mình đi chợ thấy những quả cà nhỏ trắng phau phau nằm tròn xoe trong cái rổ, thích quá bèn mua về làm cà muối. Công thức đã tham khảo trước trên mạng, thấy cũng không mất thời gian mấy, thế thì làm thôi. Mình làm theo cách này không cần dấm gì hết mà để nó lên men tự nhiên nhờ đường

Nguyên liệu:

– Cà pháo: 500g

– Riềng: 1 củ

– Tỏi: 3 củ

– Ớt: 1-2 quả

– Gia vị: đường, muối

– Nước lọc

– Hũ thủy tinh

Bước 1: Cà pháo mua về phơi nắng khoảng 2 tiếng cho cà héo đi. Sau đó mang vào cắt bỏ phần cuống, rửa sạch, ngâm cà vào chậu nước có pha chút muối khoảng 15 phút cho cà ra hết độc tố, rồi vớt ra để ráo nước.

Bước 2: Riềng, tỏi rửa sạch, dùng cối, chày giã cho thơm; ớt sừng bỏ cuống, rửa sạch, thái lát vừa.

Bước 3: Đun một ít nước sôi để nguội chừng 30 độ, hòa cùng 1 thìa đường, 3 thìa muối. (Nếu làm 1 ký cà thì đun 1 lít nước sôi để nguội hòa với 1 thìa canh đường, 3 thìa canh muối)

Bước 4: Hũ thủy tinh rửa sạch, để khô nước (có thể dùng hũ sành hoặc sứ, không nên dùng hũ nhựa vì hũ nhựa muối dưa cà không ngon và có thể ảnh hưởng tới sức khỏe). Rắc vào dưới đáy hũ một lớp muối mỏng và tỏi đập dập, xếp lớp cà lên trên, rải thêm vài lát ớt đỏ cho hũ cà thêm hấp dẫn và có vị cay nồng nhẹ, cứ làm thế cho đến hết.

Bước 5: Đổ dung dịch nước đã pha muối, đường ở trên sao cho ngập mặt cà. Cho một vài thìa muối, gừng thái chỉ, ớt thái lát lên trên. Lưu ý rằng lớp muối ở trên không quậy tan, để muối tự tan nếu lượng muối pha ban đầu không đủ.

Bước 6: Dùng đĩa nhỏ hoặc túi ni lông đựng căng nước đè lên trên để cà không bị nổi khỏi mặt nước, những quả cà bị nổi khỏi mặt nước sẽ bị thâm đen, mất đi thẩm mỹ và độ giòn ngon của nó.

Bước 7: Với cách này chỉ khoảng 2 – 3 ngày sau bạn có thể ăn cà được rồi.

ca


Leave a comment

cà muối xổi

Tháng 4 lại về rồi, cùng với nó là cái nắng gắt như đổ lửa. Thời tiết như thế này chỉ có bát canh mướp nấu với đay và mồng tơi, thêm bát cà pháo giòn tan nữa là tuyệt. Năm nay mình thử tự làm cà xem sao, là cà muối xổi chứ không phải cà muối mặn vì mình không ăn nhiều. Công thức  ở đây cũng đơn giản, nhanh gọn lẹ.

Nguyên liệu:

– Cà pháo: 300 gr
– Riềng: 1 miếng cỡ ngón tay cái
– Tỏi: 1 củ
– Ớt: 1 quả
– Chanh: 2 quả
– Đường: 1 thìa ăn cơm
– Nước Mắm: 1 thìa ăn cơm
– Muối

Bước 1: Cà rửa sạch, cắt bỏ cuống, sau đó cắt thành lát (quả to thì cắt làm 3, 4 còn quả nhỏ cắt đôi). Ngâm cà trong nước đun sôi để nguội có pha muối loãng trong vòng 1 tiếng (cứ 15 – 20 phút thay nước muối loãng 1 lần để cà ra nhựa).

Bước 2: Riềng rửa sạch, thái lát mỏng. Tỏi bóc bỏ vỏ thái lát. Ớt cũng thái lát.

Bước 3: Vớt cà ra, bóp cà với 1 thìa cà phê muối và nước cốt của 1 quả chanh. Bóp đều trong khoảng 2, 3 phút, sau đó rửa lại với nước đun sôi để nguội cho bớt mặn rồi để ráo bớt nước.

Bước 4: Cho vào bát cà 1 thìa đường và nước cốt của 1/2 quả chanh (có thể hơn nếu bạn thích ăn chua), trộn đều.

Bước 5: Tiếp tục thêm vào bát cà 1 thìa mắm, trộn đều. Nếm xem cà đã đủ độ chua mặn ngọt vừa miệng chưa để gia giảm thêm.

Bước 6: Cuối cùng là cho đến riềng, ớt, tỏi vào trộn đều. Dùng màng bọc thực phẩm bọc bát cà lại (để cho cà khỏi thâm đen). Cà pháo muối xổi 30 phút – 1 tiếng có thể ăn được. Nếu chưa ăn ngay, bạn có thể cho cà vào ngăn mát tủ lạnh để cà được giòn. Thi thoảng xóc đều để cà ngấm gia vị. Nếu nhà có sẵn dứa thì cho thêm vào bát cà vài lát dứa ướp cùng cho thơm nhé!

camuoixoi

 


Leave a comment

Kim Chi không cần ớt bột

Mình đã làm qua kim chi kiểu Hàn Quốc trong bài viết này :

Kim Chi Hàn Quốc


Hôm nọ mình lại học được món kim chi mới, không dùng ớt bột, mình nghĩ có lẽ đây là cách làm kim chi theo kiểu Việt Nam. Cách này rất đơn giản, không cần nhiều nguyên liệu như kim chi Hàn Quốc, ăn cũng khá ngon, để lâu được (có thể để cả tháng trong tủ lạnh, mình thấy công thức ghi như vậy, nhưng nhà mình chưa bao giờ để tới 1 tháng, chỉ khoảng 1 tuần là hết veo).
Vậy trong trường hợp không mua được ớt bột mà lại lên cơn ghiền kim chi, có thể sử dụng cách này để làm. Kim chi làm theo kiểu này ăn không đậm đà như kiểu kia, nhưng nó rất thanh, ăn không ngán. Làm cũng đơn giản và ít công đoạn hơn, rất thích hợp cho những lúc cần ăn nhanh mà làm biếng. Làm xong có thể ăn ngay.
Công thức copy trên mạng, mình có điều chỉnh 1 số cái theo ý mình:
Nguyên liệu:
1 cái cải thảo ngon
2 muỗng canh muối
2 ngọn hành lá, xắt nhỏ
2 tép tỏi, băm nhỏ
1 muỗng cà phê gừng tươi, mài nhỏ
2 muỗng canh xốt ớt hoặc bột ớt Hàn Quốc (có thể hơn nếu bạn thích ăn cay). Nếu không có ớt bột Hàn Quốc thì dùng ớt sừng băm nhỏ. Liều lượng tùy ý, thích ăn cay nhiều thì cho nhiều. Thường 1 cái bắp cải vừa mình băm 1 trái ớt sừng.
½ chén dấm gạo
2 muỗng canh đường
1 thìa cà phê bột nêm
1 thìa cà phê tương ớt (có thể cho thêm nếu thích, không thích thì thôi)
Cách làm:
Bỏ các lá bên ngoài và phần lõi của cải thảo. Tách từng lá, rửa qua nước lạnh, vớt ra, vẩy ráo nước, trải ra rổ phơi nắng cho hơi khô 1 chút, uốn thấy cọng cải dẻo là được, đừng phơi héo quá, chỉ cần khô ráo.
Thái nhỏ cải thảo (như để làm dưa muối).
Trong một bát lớn, trộn cải thảo với muối, rồi để ở nhiệt độ phòng khoảng 15 phút.
Sau đó đổ phần nước chảy ra từ cải thảo. Cho cải thảo vào một cái bát với tất các các nguyên liệu còn lại và trộn đều với nhau.
Cho kim chi cải thảo vào trong lọ thủy tinh có nắp đậy, để vào tủ lạnh.
Bạn có thể thưởng thức ngay lập tức món kim chi cải thảo này nhưng nó sẽ ngon hơn sau 1 ngày. Kim chi cải thảo có thể bảo quản được 1 tháng trong tủ lạnh.
Màu kim chi không đỏ vì không dùng ớt bột

kimchik


Leave a comment

Cơm gà hải nam, nộm su hào cà rốt

Cơm gà Hải Nam
Nguyên liệu: 1 con gà ta, Gừng,hành lá,tỏi
Gia vị: bột nêm, Dầu mè, Màu vàng thực phẩm hay bột nghệ( ko có cũng ko sao)
Luộc gà trong nước cùng vài lát gừng,hành lá đập dập và ít gia vị bột nêm. Sau đó vớt gà cho qua nồi nước lạnh để da gà giòn, vớt ra để ráo, dùng chổi quét màu vàng hay bột nghệ (hoặc nước thắng từ mỡ gà) lên da gà (nếu da gà ko vàng), rồi quét ít dầu mè lên gà cho gà bóng và thơm.
Dùng nước súp luộc gà để nấu cơm. Đồng thời phi tỏi,gừng băm nhuyễn cùng hành lá cắt khúc cho thơm rồi đổ vào nồi cơm nấu chung.
Pha sốt: gừng,tỏi xay nhuyễn + sốt luộc gà + chanh + muối + đường + bột ngọt + tương ớt (nếu thích ăn cay)
Gà chặt miếng vừa ăn bày lên dĩa dùng kèm cơm gà.

comgathuonghai

Nộm su hào cà rốt đơn giản không cần tôm thịt
1 củ su hào, 1 củ cà rốt
Gia vị: chanh, đường, tỏi, ớt, bột canh
Các loại rau sống: rau mùi, mùi tàu, kinh giới, húng láng, mỗi loại một mớ.
½ bát lạc rang, vừng rang giã nhỏ.
Su hào, cà rốt gọt vỏ rồi bào thành sợi dài, nhỏ.
Sau đó, chần xu hào,cà rốt qua nước sôi để loại bớt mùi hăng rồi vắt khô, bỏ vào cái tô trộn.
Các loại rau sống rửa sạch và thái nhỏ.
Cho cốt chanh, đường, tỏi, ớt, bột canh vào tô xu hào, cà rốt, trộn đều và để khoảng 10 – 15 phút cho gia vị ngấm đều vào nhau.
Trước khi ăn, trộn các loại rau sống vào bát nộm
Cuối cùng là rắc lạc và vừng đã rang giã nhỏ lên trên, trộn đều thêm một lần nữa.
Trình bày món nộm ra cái đĩa sành miệng rộng, thêm vài cọng rau kinh giới, rau mùi lên trên cho đẹp mắt. Món này làm gỏi chay cũng được vì không có thịt động vật.

nomsuhao1


1 Comment

Gỏi đu đủ Thái – Som Tam

Gỏi đu đủ Thái có tên là Som Tam hay Som Tum là 1 món ăn đường phố nổi tiếng của Thái, với vị chua chua ngọt ngọt đặc trưng của gỏi và vị cay cay, đặc trưng của hầu hết món ăn Thái. Hồi trước mình ăn món này ở bên Thái, cứ nghĩ chắc làm ra nó cũng cầu kỳ lắm đây, ai dè hôm nay nghiên cứu trên mạng thử thấy cách làm dễ ẹt à, mình làm chỉ khoảng 15 phút là xong, có ngay 1 đĩa gỏi đúng vị Thái luôn.
Cách làm món gỏi này rất dễ, món này được trộn bằng cách giã trong cối vì thế mới có tên là Som Tam (món ăn giã trong cối, có vị chua).
Các nguyên liệu cơ bản để làm món gỏi đu đủ này:
Cà chua bi xắt đôi, Đậu que cắt khúc, Đu đủ xanh bào sợi, Tôm khô ngâm nước cho mềm, Con ba khía (mắm ba khía – nếu có càng ngon, không có cũng được), Gia vị: Tỏi, Ớt hiểm trái, Nước mắm, Đường, Chanh. Đậu phộng rang (có thêm hay ko cũng được)
Nguyên tắc làm món này là giã nhẹ nhẹ (chứ không phải giã nát) tất cả các nguyên liệu trong cối để cho các hương vị thấm quyện vào nhau, bỏ các nguyên liệu vào cối nghiền theo thứ tự sau:

Giã Tỏi và Ớt trước, tiếp theo cho tôm khô vào giã, cho đậu que vào giã, cho cà chua vào giã, tiếp theo cho Đường, chanh, nước mắm vào giã, rồi cho con ba khía – mắm ba khía (nếu có) vào, bóc bỏ mai ba khía, tách ba khía thành từng phần nhỏ bỏ vào cối, trộn đều các nguyên liệu vào nhau cho thấm, nếm lại trước khi cho đu đủ bào vào và thêm gia vị vào nếu cần thiết (chanh đường nước mắm), tiếp theo cho đu đủ vào trộn đều và rắc đậu phộng lên, dọn ra đĩa và trang trí.

Chanh đường nước mắm trộn vào gỏi theo tỷ lệ sau: 2 Nước mắm : 2 Chanh : 1 Đường = 2:2:1. (Ví dụ : 2 thìa canh nước mắm, 2 thìa canh chanh, 1 thìa canh đường).

Trong video clip dạy làm Som Tam của người Thái dưới đây họ sử dụng Palm Suger (đường thốt nốt), nhìn đường này có vẻ dẻo dẻo chứ không phải loại đường thốt nốt miếng to như ở ta. Có lẽ đường này cho vào món gỏi của họ sẽ có vị đậm đà hơn, nhưng ở ta không có đường này thì cứ sử dụng đường thường cũng được.
Phần nguyên liệu tôm khô: Ai kẹt quá không có tôm khô cũng có thể làm món Som Tam này không có tôm khô cũng được, nhưng gỏi sẽ thiếu đi mất 1 vị. Hôm nay mình không có tôm khô nhưng món gỏi vẫn ngon, chủ yếu là do cái nước trộn chua ngọt cay cay.
Muốn cho gỏi Som Tam có vị đậm đà hơn nữa, có thể cho thêm con ba khía (mắm ba khía) vào giã cùng với các nguyên liệu. Ở Thái họ còn cho cả mắm tôm thái hay mắm cá thái vào. Xem ở video clip thứ 3 sẽ thấy họ cho ba khiá vào gỏi càng hấp dẫn hơn nữa!
Gỏi Som Tam thường ăn với gà nướng, xôi, hoặc ăn với bún và rau sống để giảm bớt độ cay.
Ngoài các nguyên liệu cơ bản trên Som Tam còn có các biến thể khác ở ngay tại Thái Lan, Campuchia, Lào hay các nước khác, vì thế nguyên vật liệu cũng có thể thay đổi. Cũng có cách trộn gỏi khác dùng xoài xanh, táo, dưa chuột, bắp chuối, cà rốt, mắm cá thái, mắm tôm Thái và các loại rau trái còn xanh khác.

Còn đây là món gỏi Som Tam không có tôm khô và không có ba khía của mình:

goidudusontam

3 video dạy làm Som Tam: video 1 không có tôm khô, video 2 có tôm khô, video 3 có thêm mắm ba khía


Leave a comment

Mango Salsa

Món này là 1 món salad cay kiểu Mexico. Thành phần chính gồm:
– 1 trái xoài , gọt vỏ thái hạt lựu, lựa trái chín hườm hườm, có độ giòn nhưng vẫn mềm , đừng chín nhũn quá không ngon.
– 1 trái ớt xanh, bỏ hạt và ruột, thái mỏng (có người còn nướng ớt lên cho thơm nữa)
– Ớt chuông đỏ, ớt chuôg xanh thái hạt lựu, bỏ hạt.
– 2 thìa cà phê hành tây màu tím thái hạt lựu.
_ 1 thìa cà phê ngò xắt nhỏ.
Nước sốt trộn:
_ 2 thìa cà phê nước cốt của trái chanh xanh.
_ 1 thìa cà phê nước cốt của trái chanh vàng.
Gia vị:
_ ít muối và tiêu (tùy khẩu vị).
Cho tất cả vật liệu vào 1 cái bát trộn đều, sau đó cho nước cốt chanh vào, xóc đều rồi cho tiêu và muối vào, nêm nếm vừa ăn. Đậy lại cho vào tủ lạnh để lạnh đến khi ăn.
Đó là các thành phần cơ bản của món Mango Salsa, có thể biến tấu bằng cách thêm các vật liệu sau đây:
Có thể thay ớt chuông đỏ, ớt chuông xanh bằng cà chua, dưa leo, quả bơ thái hạt lựu. Hoặc bất cứ thứ gì bạn thích miễn sao ngon là được 🙂 . Đây là món salad mà.

tacosxoai4

Món này thường trộn chung với thêm 1 món gì khác nữa, ví dụ cá phi lê chiên giòn, thịt gà..v.v.. và ăn chung với bánh tacos

tacosxoai1

tacosxoai2

tacosxoai3

tacosxoai5


Leave a comment

Rau củ chua ngọt

Vật liệu gồm có:
– 2 cái bông cải trắng (cauliflower) khoảng 5 lbs.
– 2 củ cà rốt
– 2 cups giấm hiệu Marukan, loại nắp màu xanh
– ¾ cup đường trắng
– ½ muỗng cà phê muối
– 1 cup nước
– 1 hũ thủy tinh sạch
Cách làm:
– Bông cải mua ở chợ về nên làm ngay trong ngày. Khi mua bông cải, phải chọn bông nào thật trắng tươi và cứng chắc, có lá màu xanh và phía dưới cọng không bị nâu vàng thì làm dưa mới giòn – Riêng củ cà rốt phải còn chút lá xanh trên đầu, không xơ, và nên chọn củ cà rốt to, thẳng để tỉa hoa cho dễ.- Đun sôi nước giấm đường, để nguội trước khi cắt bông cải. Có nhiều loại giấm bán trên thị trường nhưng độ chua của mỗi loại khác nhau. Với món đồ chua này nên dùng giấm gạo nhãn hiệu Marukan, chai có nắp màu xanh, vị chua vừa phải và không gắt như giấm trắng. Trung bình cứ 2 cái bông cải thì cần 2 cups giấm + ¾ cup đường trắng + ½ muỗng cà phê muối và 1 cup nước. Nếu muốn ngâm nhiều bông cải hơn thì cứ tăng thêm số lượng nước giấm đường.Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch sẽ, cắt từng khúc dài chừng 1 ½ inches. Dùng con dao sắc, lưỡi mỏng để tỉa cà rốt thành hình hoa, lá… hoặc dùng dao hình gợn sóng cắt cho nhanh, rồi cắt ngang mỗi miếng cà rốt dày chừng ¼ inch.Đun ít nước gần sôi, thả cà rốt vào trụng sơ. Đổ ngay cà rốt ra rổ và xả nước lạnh, để ráo (mục đích là để khi ngâm chung cùng với bông cải trắng, cà rốt sẽ không ra màu đỏ).Cắt bông cải ra thành từng bông một (bông nào to quá thì cắt làm hai) – cắt ngắn bớt phần chân để có nhiều chỗ ngâm trong hũ.Đun nồi nước sôi, thả bông cải trắng vào và trút ra rổ ngay. Dùng cái quạt cầm tay hay vặn quạt máy, quạt cho bông cải mau nguội – đừng để cho bông cải nguội từ từ vì sức nóng sẽ làm cho bông cải bị nhũn.Xếp thật chặt bông cải vào hũ thủy tinh, xen kẽ với những miếng cà rốt tỉa hoa cho đẹp.
– Đổ nước giấm đường vào hũ sao cho ngập hết lớp bông cải và cà rốt.Đậy kín nắp hũ lại và để chỗ thoáng mát chừng 8 tiếng rồi đem cất vào tủ lạnh. Mỗi ngày sẽ thấy màu bông cải trắng thêm và bắt đầu giòn. Sau 2 ngày có thể lấy ra ăn được nhưng 5 ngày thì hũ dưa bông cải mới hoàn hảo.Bông cải trắng ngâm giấm dùng để ăn kèm với các món thịt hay món chiên, xào, nhất là bánh chưng và thịt đông trong ngày Tết. Khi ăn, nhớ dùng đũa sạch gắp ra, nếu ăn không hết đừng bỏ vào hũ trở lại. Dưa bông cải cất trong tủ lạnh có thể dùng được trong vòng nửa tháng.

raucuchuangot


Leave a comment

Gà nướng bơ mật ong, gà nướng giòn, súp cà chua, salad đậu và cà chua bi

Đùi gà nướng giòn
Nguyên liệu:
250g sữa chua không đường, 6 cái đùi gà (bạn cũng có thể dùng cánh hay lườn gà).
3 tép tỏi, một ít rau mùi tây, một quả chanh vàng, 1 nhúm muối, 6 lát bơ cỡ quân cờ, bột chiên xù hay vụn bánh mì khô.
Rửa sạch đùi gà, để ráo, ướp đều với chút muối. Đừng ướp nhiều muối quá sẽ bị mặn.
Đổ sữa chua vào tô. Băm nhỏ tỏi và rau mùi rồi trộn đều với sữa chua. Sau đó vắt nước cốt chanh vào hỗn hợp.
Đổ bột chiên xù vào trong một tô khác. Nếu dùng vụn bánh mì, bạn nên trộn thêm chút muối. Nhúng đùi gà vào hỗn hợp sữa chua rồi tẩm bột chiên xù sao cho lớp bột chiên xù bám đều quanh đùi gà. Đặt đùi gà lên khay nướng, xếp bơ đã cắt lát lên trên đùi gà. Phủ lên khay nướng một lớp giấy bạc và cho vào lò nướng ở 180 độ C trong khoảng 1 tiếng. Sau đó, bạn bỏ lớp giấy bạc rồi nướng thêm 15 phút nữa đến khi đùi gà có màu vàng đẹp là được.

gng

ganuongion

Gà nướng bơ mật ong

-Đùi gà rửa sạch với muối.Đun sôi một ít nước rồi thả gà vào luộc qua khoảng 10 phút.Việc luộc gà để khi nướng ko mất quá nhiều thời gian và gà sẽ ko bị khô.
-Vớt gà để ráo rồi ướp gà với mật ong,muối,ngũ vị hương,dầu hào,hạt nêm,hạt tiêu,một ít dầu ăn,bôi bơ vào da gà sẽ làm cho da gà ròn.
-Để khoảng 2 tiếng cho ngấm
-Xếp từng miếng gà vào khay rồi cho vào lò nướng nhiệt độ 190 độ.Thỉnh thoảng trở đều miếng gà.Nướng đến khi gà lên màu vàng đậm.
-Cho 2 thìa dầu ăn,2 thìa đường và 2 thìa bơ vào một cái bát con,khuấy đều cho tan rồi phết lên hai bề mặt miếng gà.Nướng thêm khoảng 5 phút cho gà có màu đẹp.
-Lấy gà ra đĩa để nguội rồi chặt miếng vừa ăn.
Gà nướng xong sẽ thơm mùi bơ,da sẽ rất giòn và ngấm gia vị.

ganuongbomatong

Súp cà chua

Nguyên liệu:
– Cà chua cắt miếng nhỏ, hành tây xắt hạt lựu, tỏi băm,
– Sốt cà chua, nước dùng gà, bơ, dầu oliu, muối , tiêu.
Cách làm:
Cho dầu oliu vào nối xong cho bơ vào cùng, nấu tan chảy. Cho tỏi băm vào xào rồi cho hành tây vào, tiếp đến cho sốt cà chua vào, cho cà chua, nước dùng gà vào, nấu mềm tất cả thì vớt hết các thứ rau củ ra bỏ máy xay sinh tố xay nhuyễn, trút hỗn hợp vừa xay ra lọc qua một cái rây để bỏ bã, chỉ lấy phần mịn cho vào nối súp, nhắc nồi súp lên nấu sôi lại, nêm nếm muối + tiêu vừa miệng, nhắc ra rưới kem tươi lên trang trí và măm măm.

supcachua

Salad đậu xanh và cà chua bi
Món này làm cực đơn giản
Đậu xanh tước xơ rửa sạch trần qua nước sôi đến khi vừa chuyển sang màu xanh đậm thì vớt ra thau nước lạnh, rồi vớt ra để ráo
Cà chua bi bổ đôi
Hành tím thái khoanh mỏng
Làm sốt dầu dấm gồm: dầu oliu, nước cốt chanh, hành tím thái khoanh mỏng, muối, tiêu, chút đường nêm vừa miệng. Trút hỗn hợp dầu dấm vào đậu và cà chua bi rồi xóc đều tất cả lên, để khoảng nửa giờ cho thấm là ăn được.

saladdauxanhcachuabi

Mấy món đơn giản trên là bữa tối Giáng Sinh năm nay của mình 🙂 (có kèm theo 1 cái bánh Buche bị mèo gặm)

tiecnoel


Leave a comment

Cải cuốn ngâm chua ngọt

Món này học ở nhà VHPN, về làm thử được mọi người khen ngon, nhưng không có can đảm làm lại lần thứ 2 vì nhớ cái cảnh ngồi suốt buổi chiều cuốn từng cọng bắp cải là thấy oải hết cả người.
Món này rất thích hợp cho những người rảnh quá không có việc gì làm, hehehe
Nguyên liệu:
Bắp cải trắng 1 cây
Hành lá, cà rốt, ớt sừng, tỏi, dấm , đường, muối, bột nêm hay bột ngọt

Cách làm:
Bắp cải tròn để cả cuộn (cắt lõi trước cho dễ tách lá) cho vào nồi nước sôi trần sơ, trong khi trần từng lớp lá sẽ tự bung ra, lớp nào vừa bung ra thì dùng dao tách nhẹ từng lá, bỏ lá đó sang thau nước đá lạnh, rồi vớt ra cho vào 1 cái rổ để ráo nước.
Cà rốt gọt vỏ, cắt sợi trần sơ qua nước sôi rồi vớt cho vào thau nước đá lạnh cho có độ giòn, rồi vớt ra rổ để ráo
Hành lá cắt bỏ rễ, rửa sạch, để nguyên cọng trần qua nước sôi rồi vớt cho vào thau nước đá lạnh cho có độ giòn và xanh, rồi vớt ra rổ để ráo
Ớt sừng cắt lát mỏng, tỏi bóc vỏ cắt lát mỏng, tất cả trần qua nước sôi (trần riêng từng thứ) vớt ra cho vào thau đá rồi vớt ra rổ cho ráo.

Nấu hỗm hợp dấm đường:
Đường + dấm pha theo tỷ lệ 1 và 0.8 (1 lít dấm thì nấu với 800 gam đường) + 1 muỗng súp muối + 1 muỗng súp bột ngọt, tất cả nấu sôi để nguội.

Cách cuộn bắp cải:
Lá bắp cải sau khi đã trần nước sôi, nước lạnh và để ráo nước thì cắt đôi, bỏ phần lõi dọc chính giữa lá vì phần này cứng khi cuốn lá bắp cải sẽ không cuốn được, chỉ lấy phần lá mềm cho dễ cuốn.
Trải phần lá ra đĩa theo chiều dọc, xếp cọng cà rốt nằm ở đáy lá , cuộn tròn lá bắp cải từ dưới lên trên, khi cuộn cà rốt sẽ nằm trong lá bắp cải giống như cuốn Shushi vậy (cắt cà rốt sao cho chiều dài sợi cà rốt bằng chiều ngang lá cải , nếu cà rốt dài hơn thì cắt cho bằng lá cải để khi cuốn lại cọng cà rốt không bị lòi ra ngoài). Sau khi cuốn xong, dùng cọng hành lá đã trần nước sôi cột quanh cuộn bắp cải và cột lại để giữ nhân cà rốt bên trong không bị bung ra ngoài đồng thời cọng hành xanh cũng trang điểm thêm cho cuốn bắp cải. Lưu ý là chỉ dùng 1 sợi hành lá, phần màu xanh để cột, không dùng phần màu trắng.
Xếp từng cuốn bắp cải vào keo, xếp ớt sừng và tỏi cắt lát quanh keo để trang trí. Sau khi xếp đầy keo các cuốn bắp cải, tỏi, ớt thì đỗ hỗn hợp dấm đường đã nấu và để nguội vào keo, đậy kín, cho vào tủ lạnh khoảng 2 ngày sau là ăn được, để ăn dần trong tối đa là 6 ngày. Để lâu hơn sẽ chua không ngon.