miumiucooking

Nơi chia sẻ những thú vui nấu nướng


Leave a comment

Bánh trung thu từ các loại khoai

Mình mới thấy clip làm bánh trung thu của kênh Natha Food, không cần bột, không cần khuôn bánh trung thu chuyên dụng mà có thể sử dụng các loại khuôn làm bento, bánh làm từ các loại khoai (khoai lang, khoai môn, khoai tây…..) mà nhìn rất ngon, rất đẹp mắt, cách làm lại đơn giản , mình lôi ngay về đây share cho mọi người cùng xem. Còn mình thì ngày mai sẽ bắt tay vào chơi đồ hàng (cái trò này vui lắm, giống trẻ con chơi nặn đất sét á, mai mình có trò mới rồi hehe)

Clip nguồn: kênh Natha Food – youtube. Tks bạn chủ kênh đã tạo ra những video rất thú vị

Công thức dưới clip trên youtube, mình xin phép copy về đây cho các bạn đọc blog mình tiện tham khảo

Công thức cho 6 bánh 35gr. Các bạn làm bao nhiêu thì nhân lên nhé. 1. Vỏ 120gr khoai lang ( 800gr khoai lang, 40gr khoai môn Hoặc 60gr khoai lang vàng + 60gr khoai tây) 1-2 (5-10gr)muỗng sữa đặc tuỳ độ ngọt của khoai 1 ít dùng thoa khuôn. 2. Nhân đậu xanh, khoai lang, trứng muối tuỳ thích 110gr đậu xanh 60gr đường 10gr dầu ăn Khuôn là những hộp bento xinh xắn, các bạn có thể đến các cửa hàng của Nhật, bán mấy dụng cụ ấn bento này rất nhiều nhá. Đậu xanh nấu mềm, xay mịn, bắt lên chảo chống dính xào cho mịn và dẻo. Gói trứng muối Khoai lang hấp chín, cào hoặc xay mịn, trộn sữa trộn. gói nhân đậu xanh và trứng muối

 


2 Comments

Bánh đúc lá dứa – hương vị miền Tây

Công thức của Mẹ Gấu – Food Fascination
Nguyên liệu:
– 200g bột gạo
– 200g bột năng
– 1 bó lá dứa
– 1 ít màu xanh hương lá dứa nếu thích lên màu đẹp như ở ngoài bán. Làm toàn lá dứa không thì màu xanh hơi méc méc.
– 2 mcf dầu ăn
– 250g đường thốt nốt
– 1 thìa bột năng
– 1 chén nước lạnh
– nước cốt dừa
– Ít muối
– 50g mè trắng rang vàng
Thực hiện:
– Lá dứa xay nhuyễn cùng với 500ml nước, vắt lọc lấy nước cốt.
– Pha 100g bột năng + 100g bột gạo, 500 ml nước lá dứa và chút màu xanh, khấy đều với một chút dầu ăn và muối.
– Pha lượng bột còn lại với 500ml nước, tí muối và dầu ăn.
– Cho hai loại bột vào hai cái nồi khác nhau, bắc lên bếp khuấy luôn tay với lửa nhỏ cho đặc lại, nhắc xuống, cho vào khuôn khuấy 2 màu hơi quyện vào nhau hoặc làm từng lớp, cho vào nồi hấp chín. Tip là sau khi cho bột vào khuôn thì dùng nylon bọc thức ăn phủ lên mặt rồi dùng spatula chà cho láng mặt, nhưng không thể láng như bánh da lợn được đâu nhé
– Khi bánh chín lấy ra để thật nguội thì bột mới đặc cứng lại.
– Thắng nước đường: hòa tan đường, nước, bột năng, nấu sôi cho hơi sệt và trong veo. Có thể cho thêm gừng vào nấu sẽ thơm ngon hơn.
– Nấu nước cốt dừa với ít muối, tí đường và bột năng cho hơi sệt.
Khi ăn dùng dao răng cưa cắt bánh đúc cho đẹp, chan nước đường và nước cốt dừa, rắc mè rang vàng lên trên.
Clip thực hiện: Helen’recipe chanel. Mình vừa tìm thấy kênh youtube của bạn này, chuyên giới thiệu các món ăn việt nam với phần giới thiệu bằng tiếng anh và tiếng việt, phần thực hiện tỷ mỉ chi tiết, rất thú vị để tham khảo


Leave a comment

Bánh hẹ, bánh củ cải

Bánh hẹ làm không khó chỉ hơi tốn công để nhồi bột và bắt từng chiếc bánh nho nhỏ xinh xinh rồi đem hấp. Về phần bột có người dùng bột gạo, có người dùng bột há cảo, dùng bột há cảo chiếc bánh ăn dai dai ngon hơn dùng bột gạo vì bột gạo chiếc bánh hơi bở. Bánh hẹ hấp chín đem chiên giòn ăn kèm với nước mắm tỏi ớt chua ngọt sẽ rất tuyệt.

Nguyên liệu:
500g bột há cảo
1kg hẹ
Lá chuối một ít
Muối tiêu
Nước mắm tỏi ớt
Cách làm:
Hẹ nhặt rửa sạch vẩy cho thiệt ráo, rồi đem xắt nhỏ (như xắt hành hoa) trộn vô hẹ một tí xíu muối và dầu ăn.
Bột há cảo bạn nên mua chừng 600g, nhưng chỉ dùng 1/2 kg còn lại một ít để làm bột áo.
Cho vào nồi 2 chén rưỡi nước, nấu cho thật sôi rồi trút bột vào. Dùng đũa khuấy cho bột đều, khi cho bột vào khuấy chỉ vặn lửa nhỏ.
Khuấy nhanh tay, nếu thấy bột quá khô thì cho một ít nước vào. Lúc này bột đã chín được 6-7 phần tắt lửa cho nồi bột ra ngoài thêm chừng 2 muỗng sup dầu và 1/2 muỗng cà phê muối vào. Để bột hơi nguội rồi nhồi bột cho dẻo mịn, nếu bột quá ướt thì cho thêm bột vào, khi bột đã được nhồi mịn cho bột nghỉ khoảng 15 phút sau đó mang bột ra nhồi sơ lại.
Chia bột ra từng phần, mỗi phần bột chừng cỡ quả trứng gà là được. Cán mỏng rồi cho hẹ vào giữa, túm lại phần chóp, về phần bột trên chóp nên ngắt bỏ bớt bột thì chiếc bánh sẽ không bị dày ở phần này (nếu bột quá nhiều ở phần chóp ăn không ngon) rồi dùng tay ém nhẹ chiếc bánh cho dẹp, làm được chừng mươi cái là mang bánh đi hấp được.
Lót lá chuối dưới ngăn xửng hấp, phết lên lá một lớp dầu rồi sắp bánh lên (như vậy bánh sẻ không bị dính).
Hấp bánh với lửa to, hấp chừng 10 phút là bánh chín, sau đó cho bánh ra dĩa. Khi sắp bánh ra dĩa nên thoa lên mặt bánh một ít dầu để bánh không bị dính, bánh hơi nguội mang chiên giòn ăn với nước mắm chanh tỏi ớt rất ngon. (pha chua ngọt). Còn 1 kiểu nước chấm khác có thể ăn với bánh hẹ là nước chấm dùg cho món bột chiên: pha hỗn hợp nước chấm gồm xì dầu, dấm đỏ, đường và một ít ớt sa tế vào bát, liều lượng tùy theo sở thích của bạn. (nếm thấy vừa miệng là ổn)

Bột bánh há cảo mua ở siêu thị, nếu không mua được mình tự làm bột há cảo, công thức như sau:
– 50gr bột nếp.
– 200gr bột gạo.
– 100 gr bột năng.
– 350gr nước lạnh.
– Để riêng một ít bột nếp dùng để láng khay và nhồi thêm.
– Dầu ăn, muối. Lá thì là. Khuôn tròn xắn bột đường kính 8cm. Cây cán bột, xẻng nhồi bột.
đong nước vô soong nhỏ nấu sôi lên, đổ vào thau bột có dầu và muối. Rồi dùng cái đũa cả bằng gỗ trộn bột lên thật nhanh tay cho đều khoảng 1-2 phút. Khi bột bớt nóng rồi thì dùng tay nhồi cho bột đều và dẻo. Rồi lấy plastic wrap bọc nguyên cục bột lại cho giữ ấm.
Bắt đầu ngắt từng cục bột nhỏ ra cán càng mỏng càng tốt, lấy cái ly miệng tròn ấn xuống miếng bột. Rồi lấy nhân bỏ vô túm bột lại cho kín. Xếp vô xửng đem hấp.
Muốn bánh có màu xanh đẹp thì xay lá hẹ vắt lấy nước cốt nhồi chung với bột.

Có cách làm bột bánh hẹ khác không dùng bột nếp như sau:
300g bột gạo, 50g bột năng, muối, nước sôi nóng già.
Trộn lẫn bột năng, bột gạo, nửa thìa nhỏ muối vào âu sạch. châm từ từ nước sôi nóng già vào âu bột, dùng muôi trộn đều, sau đó dùng tay nhồi đến khi hỗn hợp bột thành hỗn hợp dẻo, mịn. Bạn có thể điều chỉnh lượng nước sôi cho phù hợp tùy theo độ hút nước của mỗi loại bột khác nhau. Dùng tay vê dài viên bột, ngắt thành từng viên bột đều nhau, dùng đồ cán cán mỏng viên bột, dùng thìa múc một ít phần nhân thịt đặt vào giữa miếng bột. Dùng tay vo tròn lại, dùng mu bàn tay ấn nhẹ miếng bột xuống. Thế là xong 1 cái bánh hẹ có hình tròn dẹt

Tạo hình bánh hẹ: Ngoài tạo hình tròn, tròn dẹt, có thể tạo hình như bánh há cảo (bán nguyệt, xếp ly, xếp tam giác, xếp nơ..v.v.v..). Thực ra đây cũng là bánh há cảo mà thôi (vì vỏ bánh há cảo mà).
Nhân bánh: Ngoài hẹ ra người ta còn biến tấu, cho vào thêm nào là thịt nạc, tôm….rốt cuộc nó lại trở thành bánh há cảo có nhân hẹ:)

banhhe

Bánh củ cải
Nguyên liệu:
– 500g bột gạo tẻ
– 1 lít nước
– 300g nước củ cải
– 700g củ cải nạo
– 3 muỗng dầu ăn
– 5 nhánh tỏi băm nhuyễn
– 50g tôm khô
– 1/2 thìa cà phê hạt tiêu
– 40g đường
– 20g muối
– 75g bột ngô

Cách làm:
– Ngâm tôm khô vào nước khoảng 30 phút. Sau đó băm nhuyễn.
– Bào củ cải nhỏ, sau đó cho qua rá lọc, vắt lấy nước cốt.
– Hòa nước củ cải và nước với nhau.
– Cho bột gạo vào, dùng tay hoặc thìa khuấy cho bột mịn.
– Đun nóng dầu, phi thơm tỏi với lửa vừa, cho tôm vào xào.
– Thêm củ cải nạo vào đảo đều.
– Nêm đường, muối và hạt tiêu, đảo đều cho tất cả hòa quyện với nhau.
– Đổ hỗn hợp nước bột gạo vào, khuấy nhẹ tay.
– Thêm bột ngô, tiếp tục khuấy đều.
– Nấu cho tới khi hỗn hợp dày đặc.
– Chuẩn bị một chiếc khay vuông có kích thước 20×20 và lót một tấm lá chuối có quết dầu ăn lên trên.
– Đổ hỗn hợp củ cải vào khay.
– Cho khay bánh củ cải vào trong nồi hấp khoảng 30 phút.
– Đợi khi bánh nguội, để vào trong tủ lạnh.
– Sau khi bánh đông lại, mang ra ngoài, cắt thành từng miếng hình chữ nhật, rán vàng.
Món bánh củ cải mình làm hôm nay hơi khác cách làm trên 1 chút.
Bột: mình chỉ làm bột gạo không có bột bắp, nếu muốn dai hơn 1 chút thì dùng cả bột gạo + bột năng với tỷ lệ: Bột gạo 10 thì bột năng 1/10 hoặc 1/20 của bột gạo.
Nhân: Vì mình không có tôm khô nên thay bằng lá hẹ cắt khúc (phần hẹ thừa từ món bánh hẹ hôm qua). Củ cải bào sợi, cho nước vào nồi củ cải, bắc lên bếp nấu khoảng 10 phút đến khi củ cải mềm thì nhắc xuống để nguội. Trộn bột gạo + đường+ muối+ lá hẹ cắt khúc vào hỗn hợp nước củ cải này (tỷ lệ: 260g bột gạo thì hổn hợp nước + củ cải – cả nước cả cái- khoảng 700g là vừa). Khuấy cho tan bột, đổ hỗn hợp bột vào khuôn có thoa dầu, rồi cho lên xửng hấp khoảng 40 phút, đến khi bột chín thì nhắc ra để nguội, cắt từng miếng rồi chiên vàng.

Nước chấm bánh củ cải: pha nước tương theo kiểu bánh bột chiên, hoặc ăn với nước mắm tỏi ớt chua ngọt, hoặc nước tương không pha.
Ngoài ra có thể cắt bánh củ cải thành từng miếng nhỏ như bột chiên, chiên với trứng + hành lá như bột chiên vậy.
Pha nước chấm bột chiên: 150gr đường + 500gr nước+ 100gr giấm đỏ+150gr nước tương

banhcucai1


Leave a comment

Bánh bột lọc

Có 1 số loại bánh làm từ bột nếp, bột năng mình hay bị vướng ở khâu nhồi bột. Sau nhiều lần vật vã với các thể loại mình mới rút ra được 1 điều là các loại bột này không nhồi bằng nước lạnh như bột mì mà thường nhồi với nước sôi để bột gần chín thì nhồi mới dẻo được, nếu nhồi nước lạnh bột sẽ cứng, rời rạc từng cục và không bao giờ có thể tạo hình được. Đấy, cả ngày hôm nay vật vã với đống bột nếp và bột năng, mãi mà bột cứ rệu rã do mình cho nước chưa đủ sôi vào, cuối cùng mình phải đem hấp lên cho nó gần chín mới đem ra nhào nặn được.
Đây là công thức làm bánh bột lọc copy ở facebook bepnhata
Nguyên liệu:
300g bột năng, hoặc bột lọc có bán sẵn ở chợ.
Nước sôi
100g tôm
100g thịt nạc hay thịt ba chỉ
Hành lá, đường, nước mắm, muối, tiêu, hành đỏ, bột ngọt (tùy thích nếu muốn bột ngọt hay không).
Ớt
Chế biến:
Bước 1:
Thịt nạc thái lát nhỏ, ướp với ít muối, tiêu, nước mắm, đường, bột ngọt , trộn đều.
Tôm lột vỏ, thái nhỏ tôm (nếu thích, có thể để nguyên con).
Bước 2:
Làm nóng nồi, phi thơm hành đỏ rồi thêm thịt vào xào chín.
Thịt chín bạn đổ tôm vào xào chung, nêm nếm vừa miệng, đợi nồi thịt sôi thì thêm ít nước lạnh, đun đến khi thịt mềm thì tắt bếp, rắc thêm tí hạt tiêu và hành lá thái nhỏ, trút ra tô để riêng.
Bước 3:
Bột năng (hay bột lọc) đổ ra thố, nêm tí muối.
Châm nước sôi khoảng 80 độ có pha với chút dầu ăn (khoảng 1 muổng canh) từ từ vào thố bột, dùng đũa trộn đều, hỗn hợp bột sẽ nửa sống, nửa chín. Lúc này bạn dùng tay nhồi bột một lúc sau bột sẽ mịn, lưu ý công đoạn này bột rất nóng. Bạn nhớ chừa ít bột làm áo, nếu cảm thấy bột hơi ướt, bạn đổ thêm bột vào thố và tiếp tục nhồi đến khi bột mịn là được. Tùy theo độ hút nước của mỗi loại bột mà bạn điều chỉnh lượng nước sôi cho phù hợp. Nhồi xong cho bột nghỉ khoảng 10 phút.
Bước 4:
Chia bột thành từng phần nhỏ, ngắt một cục bột bằng đầu lóng tay cái, ấn dẹp tròn ra, múc ít nhân tôm thịt đặt vào giữa miếng bột.
Gấp hai mép lại, hình dạng bột bây giờ giống hình bán nguyệt. Nếu muốn fancy một chút, bạn gấp 2 đầu bột thành hình mũ tai bèo. Làm lần lượt cho hết bột và nhân. Có thể thấm 1 chút xíu nước bôi quanh viền bánh để viền bánh dính vào nhau.
Cách khác: Sau khi nhồi bột thành 1 khối mịn màng dẻo và không dính tay, ta cán bột mỏng và dẹp ra sau đó dùng khuôn tròn cắt bột thành từng miếng tròn đều nhau rồi gói nhân vào và tạo hình bánh
Bước 5:
Đun nồi nước khác, khi nước bắt đầu sôi, thả bánh vào luộc, khoảng 5- 10 phút tùy loại bột, khi bánh chín bột sẽ trong, bánh sẽ nổi lên trên bề mặt nước.
Dùng đồ trụng mỳ vớt bánh ra, thả vào thau nước lạnh để từng chiếc bánh không bị dính vào nhau.
Bước 6:
Hành lá thái nhỏ, trộn với 1 thìa cà phê dầu ăn, bỏ lên bếp phi cho chín.
Bước 7: Hành lá sau khi phi chín để nguội, đổ ra 1 cái thau hoặc nồi lớn, vớt bánh ra ráo nước, trộn chung với hành phi, công đoạn này giúp bánh không bị dính vào nhau.
Pha nước mắm: pha khoảng 3 thìa cà phê nước lạnh, với 2 thìa cà phê đường, 2 thìa nước mắm, khuấy cho đường tan. Nêm nước mắm hơi ngọt ngọt, mặn mặn, nếu bạn ăn cay, khi ăn thêm ớt xắt lát vào. Nước mắm ăn bánh bột lọc không ăn kèm với tỏi.
Khi ăn bạn xếp bánh ra dĩa, chan nước mắm lên trên, nếu thích bạn có thể trụng sơ ít giá đỗ ăn kèm với bánh và ngò lá.
Một bí quyết để pha nước mắm ăn bánh bèo, bánh bột lọc, bánh huế ngon là luộc vỏ tôm lên lấy nước luộc tôm này pha với nước mắm + đường theo tỷ lệ trên, nhưng thay nước lạnh bằng nước luộc vỏ tôm (3 thìa cà phê nước luộc tôm, 2 thìa cà phê đường, 2 thìa nước mắm, khuấy cho đường tan. Nêm nước mắm hơi ngọt ngọt mặn mặn. Dầm 1 quả ớt xanh vào chén nước mắm, ớt xanh ăn mới đúng vị bánh Huế)

Thành phẩm của mình ăn cũng tàm tạm, nhìn chung cũng ra được cái bánh bột lọc là mừng rồi. Bánh dở nhưng được cái nước mắm pha rất ngon, chua ngọt vừa miệng.

banhbotloc

Video làm bánh bột lọc


Leave a comment

Bánh đa kê – món ăn của tuổi thơ

Hôm rồi đi siêu thị thấy có bánh đa nướng bỏ bọc, tự dưng nhớ tới món bánh đa kê hồi nhỏ, món ăn của một thời tuổi thơ nghèo khó thiếu thốn đủ thứ vật chất nhưng không bao giờ thiếu tiếng cười . Từ hồi vào Sài Gòn mình không còn thấy những gánh bánh đa kê quẩy trên đôi thúng của các cô các chị nữa. Thế là món ăn ấy dần đi vào ký ức, thấm thoát mà đã mấy chục năm.
Có ngờ đâu mấy chục năm sau, vào 1 ngày mưa gió đùng đùng, mình lại lên mạng tìm công thức nấu chè kê, rồi lọ mọ chui vào bếp nấu, và giờ đang ngồi nhâm nhi mấy cái bánh đa nướng trét chè kê để hồi tưởng lại quá khứ 

Nguyên liệu:
– 100gr kê
– 250gr đường
– Bánh đa
Cách làm:
1. 100gr kê vo sạch, cho vào nồi cỡ vừa, đổ vào khoảng một lít nước ngâm kê chừng một giờ. (chọn cỡ nồi sao cho mực nước cao hơn kê khoảng 4 -5 phân,tương đương ba lóng tay người lớn).
2. Cho nồi kê lên bếp mở lửa, canh chừng vừa chớm sôi thì hạ lửa tối đa chỉ để cho nước sôi váng hơi lăn tăn rất nhẹ, dùng đũa gỗ hoặc vá muỗng kim loại khuấy nhẹ trong mươi giây (đừng dùng dụng cụ muỗng đũa bằng nhựa mélanin để khuấy, món ăn sẽ bị dây mùi nhựa). Để sôi nhẹ qua năm ba phút rồi lại khuấy tiếp mươi lăm giây nữa, cứ như vậy cho đến khi xong. Thăm chừng thấy hột kê nở ra và mềm, thử bằng cách múc vài hột, thổi nguội rồi cho vào giữa hai đầu ngón tay vo nhẹ thấy nát mịn là được. Cho vào khoảng 250gr đường hoặc tùy thích gia giảm đôi chút, khuấy đều tay cho đến khi thấy tan đường hoàn toàn. Thăm chừng cho kê cạn nước dần và đặc lại từ từ, tùy thích để chè đặc ít nhiều nhưng thông thường là thử độ đặc của chè bằng cách dùng cái muỗng nhỏ múc ít chè rồi đổ ra lại thấy chè quánh hẳn và nhểu chậm ra như hồ đặc là được.
3. Tùy thích dùng ít vani, nước hoa bưởi… cho vào nồi kê để tạo mùi nhưng nếu có kê mới thì không ai dùng hương liệu cho vào chè cả vì kê mới, nấu chè rất thơm.
4. Thực phẩm phụ ăn kèm chè kê:- Bánh tráng mè nướng dòn.- Đậu xanh tán: Dùng chừng 200gr đậu xanh cà đã đãi vỏ, vo sạch, nấu chín như nấu cơm cho thật ráo hột, bới ra để nguội dùng máy xay cắt có dao hình chữ S làm cho mịn nhuyễn rồi tải mỏng ra để cho ráo ở dạng hơi khô để có thể rắc được. Bếp VN hay làm đậu tán theo cách cổ truyền là sau khi đậu chín, cho vào cối giã cho mịn nhuyễn rồi dùng tay vo thành viên tròn thật chắc, để nguội và khô, cần dùng bao nhiêu thì lấy dao mỏng bén cắt gọt vào viên đậu để lấy đậu tơi nhuyễn ra bấy nhiêu.- Cơm dừa khô nạo sợi mỏng trụng qua nước sôi để ráo.
5. Trình bày món ăn: Đa số người vùng Bình Trị Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) hay múc chè kê ra chén nhưng khi ăn lại dùng bánh tráng mè nướng bẻ nhỏ và cầm miếng bánh tráng xúc chè thay cho cái muỗng. Trong khi nhiều người Bắc lại thích nấu chè kê thật đặc, khi ăn, bẻ bánh tráng nướng ra thành miếng nhỏ, phết chè lên, rắc thêm ít đậu xanh tán hay cơm dừa nạo rồi đặt một miếng bánh tráng khác lên kẹp lại. Đây là cách ăn mà trẻ em rất thích. (Mình cũng rất thích 


Leave a comment

Bánh bèo Huế

Nguyên liệu:
– 125gr bột gạo
– 20gr bột năng
– 250ml nước lạnh + 375 ml nước sôi
– 300gr tôm đất
– 1 củ hành tím, 1 củ tỏi nhỏ, hành lá
– Nước mắm, muối, tiêu và đường
– 30 chén nhỏ
– Ít bánh mỳ chiên hoặc da heo chiên giòn.
Trộn 2 loại bột lại với nhau, thêm chút xíu muối. Đổ từ từ nước lạnh vào bột, quậy đều tay. Tiếp tục đổ 375ml nước sôi vào. Khuấy bột cho chúng tan đều, hòa quyện vào với nhau. Ngâm bột qua đêm, hoặc ngâm từ 4 đến 6 giờ đồng hồ. Việc ngâm bột có tác dụng làm bánh khi ăn không có mùi bột chua và bánh dai. Khi gần đổ bánh, bạn gạn phần nước lắng màu trắng trong trên mặt thau bột đổ đi. Đổ đi bao nhiêu nước trắng trên bề mặt bột thì bạn thay thế vào bấy nhiêu nước ấm. Khuấy nhẹ tay rồi để qua một bên.
Tôm lột vỏ, chẻ sống lưng lấy chỉ, rửa sạch rồi để vào rổ cho ráo nước. Giữ lại vỏ tôm để nấu làm nước mắm. Cho tôm vào cối giã hoặc dùng máy xay cho tôm mịn ra. Làm nóng chảo trên bếp với chút xíu dầu ăn, phi tỏi thơm. Đổ tôm vào, đảo đều tay, lửa nhỏ. Nêm chút xíu muối. Xào đến lúc nào thấy tôm hơi khô là được. Hành lá cắt nhỏ trộn vào 1 muỗng cà phê dầu ăn, cho vào lò vi sóng rồi quay vài giây cho hành chín, để riêng
Làm nước mắm:
Vỏ tôm dùng chày giã hơi nát, cho vào nồi nhỏ, đổ nước lạnh xâm xấp với bề mặt tôm với 1 củ hành tím đã xắt lát, nấu sôi. Lọc lại vỏ tôm đổ đi, chỉ giữ lại phần nước, để riêng, thêm vào ít đường Đổ nước mắm vào phần nước đun vỏ tôm, nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn, miễn sao nước mắm hơi ngọt và không quá mặn. Nước mắm ăn bánh bèo không có tỏi và không vắt chanh hay dấm, chỉ có ớt xanh xắt lát cho vào tùy độ ăn cay của bạn.
Hấp bánh:
Để sẵn chén bên cạnh, đổ nước vào nồi hấp, nấu sôi với lửa lớn. Trong khi chờ nước sôi, bạn thoa dầu ăn vào chén. Khi nước thật sôi bạn cho từng chén nhỏ đã thoa dầu ăn vào nồi. Chén nóng bạn đổ bột vào cỡ 2/3 chén. Đậy nắp lại,thỉnh thoảng mở nắp nồi để lau hơi nước đậy trên nắp nồi. Hấp khoảng 7 đến 8 phút thấy bánh trắng đục là bánh chín. Khi ăn đổ ít tôm chấy lên bề mặt bánh bèo, múc chút hành phi và ít bánh mỳ chiên rắc lên trên.

Cách làm khác:
Nguyên liệu:
– 1 bát con bột gạo tẻ
– 1 thìa canh bột năng (nếu muốn ăn bột dai nhiều bạn tăng lượng bột năng và giảm lượng bột gạo)
– 1 thìa nhỏ muối
– 1 bát con nước lọc (dùng bát đong bột gạo đong nước)
– 1 và 1/2 bát con nước sôi nóng già
– 300g tôm tươi
– Nước mắm, đường, ớt quả, tiêu và muối
– Hành lá, hành khô, dầu ăn, khuôn đổ bánh bèo (bạn có thể mua tại các siêu thị)
– Bì lợn chiên giòn hoặc bánh mỳ chiên ăn kèm.
Cách làm:
Hòa tan bột năng và bột gạo, thêm muối vào, trộn đều. Chế từ từ bát con nước lọc, vừa chế vừa dùng muôi khuấy đều. Tiếp theo đổ từ từ nước sôi nóng già, dùng muôi khuấy đều, dùng màng thực phẩm, đậy kín, để qua đêm hoặc để từ 10 đến 13 tiếng. Hôm sau bạn sẽ thấy phía trên bề mặt bột có lớp bột chua màu trắng trong, bạn lọc đổ bỏ nước bột chua, đổ bao nhiêu nước bột chua thì bạn thay thế vào bấy nhiêu nước ấm. Khuấy nhẹ tay, để khoảng 15 phút trước khi đổ bánh.
Phần làm tôm chấy: tôm rửa sạch, dùng tăm nhọn rút chỉ đen trên lưng tôm cho sạch, đổ tôm vào nồi, đậy kín nắp để tôm chín, không thêm nước. Đến khi tôm chín hồng, đợi nguội, bóc vỏ tôm, giữ lại vỏ tôm để nấu với nước mắm, còn thân tôm bạn dùng cối giã nhuyễn. Đun nóng dầu ăn, phi hành khô thơm, đổ tôm vào đảo đều, thêm gia vị muối, nước mắm, đường, tiêu, nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn. Xào đến khi tôm khô, tơi ra, nhấc chảo ra khỏi bếp, để nguội.
Hành lá thái nhỏ, rửa sạch, thêm vào bát hành ít dầu ăn, cho vào lò vi sóng quay 30 giây cho hành chín.
Phần đổ bánh bèo: khuôn thoa dầu ăn, xếp khuôn vào xửng hấp, nước ở xửng sôi già bạn mới châm bột vào khuôn, đậy kín nắp, thỉnh thoảng dùng khăn sạch lau nước đọng trên thành nắp. Hấp từ 6 đến 8 phút, bánh nổi trong là chín. Nhấc khuôn ra khỏi nồi, để nguội, dùng dao nhọn tách bánh, xếp vào đĩa. Lúc xếp bánh bạn nhớ dùng cọ quét ít hành và dầu ăn lên bề mặt bánh để bánh bèo không bị dính.
Phần nước mắm: vỏ tôm băm nhuyễn, đổ nước xâm xấp với mặt vỏ tôm, đun sôi, lọc lấy nước luộc vỏ tôm, bỏ xác. Pha nước mắm, đường, nước lọc theo tỷ lệ 1:1:1, nấu sôi đường và nước mắm, để nguội, chế từ từ nước mắm và nước luộc vỏ tôm vào, nêm hơi ngọt. Nước mắm dùng với bánh bèo không có tỏi và không thêm giấm, hay chanh. Ớt quả dùng thìa xắn hay kéo cắt chứ không giã.
Khi dùng, rắc ít tôm chấy lên bề mặt bánh bèo, thêm da heo chiên, chan nước mắm có pha ớt là bạn đã có đĩa bánh bèo dân dã nhưng rất ngon.


Leave a comment

Bánh tôm, phở trộn, canh gà kiểu Thái

Công thức của người ta là phở trộn thịt bò, nhưng mình tận dụng mấy miếng thịt gà luộc còn dư từ tối hôm qua, lấy ra xé sợi và trộn với phở, thế là có món phở gà trộn chua ngọt ăn cũng rất ngon và không ngán

Cũng là mấy miếng lườn gà vụn vụn lấy ở trên ngăn đá, mình nấu được 1 bát canh gà chua cay đúng kiểu Thái

Sẵn đang quổn làm thêm vài cái bánh tôm ăn đổi món. Chỉ phải chạy ra chợ mua thêm 1 củ khoai lang, chút rau sống, còn tôm thì có sẵn trong tủ lạnh.

Các thứ đồ ăn cũ trong tủ lạnh đã được dọn sạch sẽ rồi, mừng ghê cơ. Tối nay mình lại hăm hở đi siêu thị mua về 1 mớ đồ ăn mới, để dành mấy ngày khỏi phải đi chợ luôn. SÀi gòn mấy hôm nay đang mưa to gió lớn nên chẳng ai muốn bò ra khỏi nhà

PHỞ TRỘN
Nguyên liệu
– 1 kg phở.
– 500 gr thịt bò.
– 100 gr giá đỗ.
– 1 củ hành tây.
– 2 thìa canh giấm..
– 1 thìa canh nước cốt chanh..
– 4 thìa canh dầu ô liu hoặc dầu vừng..
– 1 thìa canh nước mắm..
– 1 thìa cà phê tỏi..
– Rau thơm, bột nêm, dầu ăn..
Cách làm.
Phở mua về, rũ tơi từng sợi. Hành tây xắt lát mỏng..
– Thịt bò xắt lát mỏng, ướp với chút bột nêm, gừng, dầu ăn khoảng 5 phút..
– Bắc chảo lên bếp, phi thơm tỏi, cho thịt bò vào xào chín, xúc ra đĩa..
– Pha nước mắm với giấm, nước cốt chanh, dầu ô liu rồi trộn đều với bánh phở, thịt bò, giá đỗ, hành tây, để khoảng 10 phút cho ngấm trước khi ăn..
(Mình thay thịt bò bằng thịt gà luộc xé sợi vì lúc đó chả còn gì ngoài thịt gà)

CANH GÀ CHUA CAY KIỂU THÁI
– 200g thịt gà (phần nạc lườn)
– 100g nấm rơm
– 1 củ xả, nửa quả chanh, 1 củ riềng, 3 quả ớt, rễ ngò
– Lá chanh, rau mùi
– 120ml nước cốt dừa
– 240ml nước luộc gà
– 30ml nước mắm
Cách làm:
– Cho lá chanh, ớt, sả, riềng, rễ ngò vào đun sôi với nước luộc gà và nước cốt dừa.
– Thả thịt gà và nấm rơm vào nồi đun cùng.
– Khi thịt gà chín, tắt bếp và cho nước mắm, nước chanh vào, thêm chút rau mùi lên trên.

BÁNH TÔM
Nguyên liệu:
Tôm tươi 500g / Bột gạo tẻ 500g / Khoai lang 500g / Mỡ nước 400g / Bột nghệ (để tạo mầu) 20g
Nước lã 0,5 lít
Rau ghém (xà lách, thơm, rau mùi..) dưa góp (đu đủ xanh, cà rốt), nước chấm, nước mắm, dấm ớt, tỏi đường (làm như nước chấm bún chả)
Cách làm:
Tôm nhặt rửa sạch, để ráo nước.Khoai lang gọt vỏ, thái nhỏ bằng que diêm, ngâm vào nước muối cho khỏi bị đen.Cho bột gạo tẻ, bột nghệ, vào liễn hòa đều với nước (chú ý đừng để bột vón cục). Đậy vung liền khoảng 1 giờ.Vớt khoai rửa sạch, vẩy ráo, trộn với bột.Cho nhiều mỡ vào chảo đun nóng già (mỡ ngập khuôn) xúc bột đổ vào đầy khuôn (khuôn bánh tôm thường làm bằng nhôm, hình chảo dẹt, đường kính 10cm sâu 0,8cm – có cán dài 12cm ) dàn đều bột và khoai, đặt một vài con tôm to lên trên rồi thả cả khuôn vào chảo mỡ. Khi bánh róc khuôn và nổi lên, lấy khuôn ra làm tiếp, còn bánh rán tiếp cho vàng đều và giòn.Vớt ra để ráo mỡ, cắt mỗi bánh thành từng miếng nhỏ vừa ăn và bày vào đĩa. Ăn nóng kèm với rau ghém, dưa góp và nước chấm.


Leave a comment

Bánh canh tôm, bánh tằm, bánh lá miền Tây

Trong những chuyến đi về miền Tây mình chỉ mới được thưởng thức 1 vài đặc sản như cá tai tượng chiên xù, cá lóc nướng trui, canh chua cá lóc….Miền Tây còn rất nhiều món ăn hấp dẫn mà chỉ nghe tả qua đã thấy chết thèm. Nào là chuột đồng nướng, rắn , đuông xào dừa, rồi những món bánh dân giã như bánh tằm, bánh lá, bánh tét. Mình xem trên Internet xong thèm quá trời, làm sao giờ ta, chả lẽ làm 1 tour xuống miền Tây để thưởng thức mấy món ăn đó. Muốn lắm mà chưa có thời gian. Hôm bữa thấy hình cái món bánh lá tự dưng nước miếng cứ chảy chèm chẹp…heheheh. Để copy 1 bài giới thiệu về cái món bánh lá này cho mọi người xem có thèm không nào
Rau mơ (dân gian còn gọi là dây thúi địt) là loại dây leo hoang dại, sống lâu năm. Theo y học dân gian lá mơ có vị đắng, chua chát, tính mát, có tác dụng nhuận gan, thanh nhiệt, tiêu thực, sát khuẩn…, thường dùng chữa trị kiết lỵ, tiêu chảy, ăn khộng tiêu… Ngoài ra, lá mơ được các bà nội trợ nông thôn xem như là loại rau sạch để chế biến những món ăn như: ăn sống (chấm nước cá kho hay thịt kho), xắt sợi xào với tàu hũ, nấu canh, hay làm bánh…, nhưng đáng nhớ nhất đối với tuổi thơ tôi là: bánh lá mít rau mơ.Mỗi kỳ nghỉ hè, má tôi thường làm bánh này để đãi các con. Theo má, bánh nầy chế biến rất đơn giản, thơm ngon, và mùa hè ăn bánh nầy rất nên thuốc nữa.

Đầu tiên, lấy một trái dừa khô đem vào lột vỏ, nạo vắt nước cốt cùng nước dão (nước cốt dừa lần 2-3 đã loãng đi) để sẵn mỗi thứ ra tô, và hái lá mít rửa sạch, để ráo, lá mít còn nguyên cuống.

Tiếp đó, hái một nắm lá mơ vừa ăn (không già cũng không non) đem vào giã dập, lược lấy nước cốt. Riêng má lấy bột gạo và bột năng, tự tay chế biến như sau:

Cho bột gạo và bột năng vào thau pha (theo tỉ lệ 2/1). Đổ nước cốt lá mơ cùng nước dão dừa khô vào bột trộn đều cùng gia vị (muối + đường) vừa khẩu vị thành một hỗn hợp nhão không dính tay.

Tiếp đến, má dùng tay ngắt cục bột đặt lên mặt phải lá mít, nắn nhẹ cho lớp bột phủ mỏng đều trên lá, và lấy cuống lá xỏ vào phần đuôi thành một cuốn tròn để vào xửng và má tiếp tục làm cho đến khi hết bột. Cuối cùng, má đặt xửng lên bếp hấp chừng 15 phút sau bánh chín.

Khi mở xửng lấy bánh ra, một nùi thơm rất đặc trưng lan tỏa dậy khắp nhà, chờ bánh nguội mới gỡ cho ra đĩa. Tiếp đó là công đoạn thắng nước cốt dừa, là phần quan trọng định đoạt chất lương món ăn. Trước hết, má cho nước dão dừa vào nồi nấu sôi cùng với bột gạo cùng bột mì tinh (theo tỉ lệ thích hợp) cho có độ sệt. Nêm gia vị (muối + đường) cho vừa khẩu vị. Sau cùng, chờ nước sôi vài dạo, má cho nước cốt đậm đặc vào, khuấy đều, nhắc xuống, thế là xong!…

Còn gì thú vị cho bằng trong những buổi trưa hè được thưởng thức món bánh lá mít rau mơ dân dã thơm ngon. Cho bánh vào đĩa chan ngập nước cốt dừa lên, và dùng đũa gắp từng miếng bánh cùng nước cốt dừa cho vào miệng nhai từ từ. Vị béo, ngọt của nước cốt dừa, vị dai dai của bánh và mùi thơm đặc trưng khó quên của rau mơ như kích thích mọi giác quan, khiến ta lưu luyến nhớ mãi một món ngon của tuổi thơ nơi quê nhà tưởng chừng như bị mai một!…
Đọc bài viết trên và xem cái hình thèm quá thèm quá. Thế là xông ra chợ hỏi mua lá mơ, may quá họ có bán cái lá mơ, nhưng không có lá mít. giải pháp tình thế: thay lá mít bằng lá dứa. Rồi mua dừa nạo. Rồi về nhà lọ mọ mở Internet tìm công thức bánh lá mơ, sẵn có bánh tằm bì, bánh canh tôm cũng có cùng 1 số nguyên vật liệu giống nhau, nên hôm nay làm 1 serie các món ăn miền Tây.
Đây là cái bánh lá mơ, lá dứa của mình (Của người ta là nắn bột trên lá mít nhưng mình không có lá mít nên nắn trên lá dứa, nhìn thấy bánh có hình dài dài của lá dứa nhỉ). Vị thì chả biết bánh của người miền Tây ngon cỡ nào, chứ bánh lá mơ – lá dứa của mình hơi dai, cũng có mùi thơm của lá và nhờ nước cốt dừa béo ngậy rưới lên trên nên ăn bánh cũng rất lạ miệng và thích thú.

Bánh tằm trông cũng tạm tạm, nhưng không hiểu sao cái bột gạo + bột năng nhồi khó kinh lên được, nó cứ dính dính khô khô và rời rạc lung tung, chả thành khuôn gì cả nên rất khó tạo hình, cán và cắt miếng. Vì thế bánh lá, bánh tằm và bánh canh của mình nhìn xấu xí không thể tả. Phải xem lại cái vụ nhồi bột này thôi, có vấn đề roài.

Và đây là bánh canh tôm, mình tự làm cả bánh canh nhưng vì vụ nhào bột chưa ổn nên bánh canh của mình rất xấu xí, nhưng nước lèo thì ngon hết sảy! Nước lèo gồm tôm tươi lột vỏ xào cho thơm, chế nước cốt dừa vào nấu chín và nêm gia vị, rồi cho bánh canh vào, sôi thì nhắc xuống cho hành ngò tiêu. Bánh canh tôm nấu theo kiểu miền Tây có nước cốt dừa sền sệt ăn rất ngon. Nấu cũng nhanh hơn các loại bánh canh khác.


1 Comment

Bánh cuốn, bánh trôi home made

Ở ngoài siêu thị dạo này thấy bán nhiều loại bột để tự làm các loại bánh ở nhà như bánh xèo, bánh cuốn, bánh da lợn, bánh bèo….v.v…Mình thấy rất tiện lợi cho những người thích ăn ở nhà hơn ở ngoài hàng, hơn nữa thời gian pha chế nấu nướng cũng nhanh, nên hôm nọ mình đã mua thử 1 gói bột bánh cuốn về làm theo các hướng dẫn trên đó. Không có gì là cầu kỳ phức tạp cả, chỉ pha bột và nước theo tỷ lệ hướng dẫn, pha chút dầu ăn vào, dùng 1 cái chảo không dính làm cho nóng lên,lửa nhỏ vừa, múc bột đổ vào láng chảo không mỏng không dầy, đậy nắp, vài giây sau bột trong là bánh đã chín, úp chảo đổ bánh ra 1 cái mâm hay đĩa to đã thoa dầu ăn, rồi cho nhân vào cuốn lại là xong. Nhân thịt cũng đơn giản: thịt băm + mộc nhĩ + hành tây xắt nhuyễn, xào và nêm gia vị theo hướng dẫn trên gói bột. Pha thêm 1 chén nước mắm chua ngọt để ăn cùng bánh cuốn. Hôm nay mình chưa đi chợ nên thiếu phần rau xanh, giá đỗ trụn chín, vài cọng ngò, 1 ít hành phi vàng rắc trên mặt để “làm hàng” cho đĩa bánh cuốn. Nhưng không sao, ăn thế này cũng rất ngon rồi.
Nước chấm bánh ướt phải nấu qua thì mới ngon, và đặc biệt là nó ko dùng chanh hoặc dấm như các nước chấm thông thường khác, vì nước mắm chua khi ăn bánh cuốn (hoặc bánh ướt) sẽ ko ngon.
Cho nước và đường vào nồi, rồi cho lên bếp nấu sôi tan đường, cho một chút muối, và nước mắm, giã tỏi cho vào, nêm nếm sao cho thấy có vị ngọt và mặn và ăn theo khẩu vị của bạn là được. Cuối cùng băm ớt nhuyễn rồi vớt bỏ tỏi và thả ớt vào nước mắm sẽ nổi lên mặt rất đẹp và ngon.

Hôm nay còn lên cơn thèm bánh trôi nữa. Mình mua bột nếp Vĩnh thuận, thấy bảo là hiệu này ngon. Bắc nồi nước sôi lên, nhào bột, cắt đường thành cục nhỏ (mình không có đường mật nên xài tạm đường thốt nốt làm nhân), rang vừng, nặn bột, bỏ bột vào nồi, tất cả chỉ trong vòng 15 phút là có ngày 1 đĩa bánh trôi nhỏ xinh vừa đủ cho mình ăn.

Đấy, thời buổi tiện lợi, muốn ăn chả cần đi đâu xa, cứ lăn vào bếp là có hết.